Bạn có biết, đau khớp có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn? Hầu hết mọi người nghĩ rằng, đau khớp là do tuổi tác, hoạt động quá sức, chấn thương hay viêm khớp.
Nhưng với những cơn đau khớp bất thường, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có các triệu chứng kỳ lạ mà không thể giải thích? Hãy tham khảo 9 lý do hàng đầu gây ra đau khớp có thể không giống như bạn nghĩ - từ phổ biến đến hiếm gặp.
1. Lượng đường trong máu cao
Các đầu xương được đệm bằng sụn - thứ cho phép các khớp xương di chuyển lên nhau mà không bị hư hại. Tuy nhiên, hàm lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của sụn và xương.
Lượng đường trong máu quá cao dẫn đến cơ thể sản xuất dư thừa AGEs (sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation nâng cao). Đây là hợp chất có hại được hình thành khi protein hoặc chất béo kết hợp với đường trong máu.
May mắn thay, cơ thể mỗi người có các cơ chế khác nhau để loại bỏ những hợp chất có hại này, bao gồm cả những cơ chế liên quan đến hoạt động chống oxy hóa và enzym. Tuy nhiên, nếu hàm lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ sản sinh ra AGEs nhanh hơn mức có thể đào thải và tích tụ lại trong cơ thể.
Sự tích tụ AGEs có thể gây viêm và làm hỏng nhiều mô, bao gồm cả xương và sụn. Lượng đường trong máu không được quản lý hoặc ở mức quá cao thì tình trạng thoái hóa sụn càng nghiêm trọng.
2. Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm của một túi nhỏ chứa đầy dịch lỏng, hoạt động như một lớp đệm và bề mặt trượt để giảm ma sát giữa các mô như xương, cơ, gân và da.
Trong khi viêm bao hoạt dịch có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên cơ thể nhưng bệnh thường xảy ra ở vai, khuỷu tay, cổ tay, hông, đầu gối và mắt cá chân.
Khi bao hoạt dịch bị viêm do chấn thương vì va chạm hoặc hoạt động quá mức, vết sưng tấy có thể kích thích các dây thần kinh xung quanh, gây đau và tê quanh cơ, xương và khớp.
3. Tuyến giáp hoạt động kém
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hormone T3 và T4 liên quan đến sự trao đổi chất, chức năng tim và tiêu hóa, sự phát triển và chức năng của não, điều hòa thân nhiệt, kiểm soát cơ bắp, đồng thời sinh sản và phát triển xương và sụn trong suốt cuộc đời.
Tuyến giáp hoạt động kém hoặc suy giáp có thể gây tích tụ quá nhiều protein trong mô. Các khớp dày lên và chất lỏng tích tụ ở các khớp đầu gối, mắt cá chân, bàn chân hay bàn tay gây đau và cứng khớp.
4. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA - Rheumatoid arthritis) là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến hơn 1,5 triệu người Mỹ và khoảng 75% bệnh nhân là phụ nữ.
Mặc dù bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, nhưng trên thực tế, viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào lớp niêm mạc của khớp (được gọi là bao hoạt dịch), gây viêm, đau, đau và sưng.
Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến bàn tay, đầu gối hoặc mắt cá chân và thường là cùng một khớp ở cả 2 bên của cơ thể. Nhưng đôi khi, bệnh này cũng gây ra các vấn đề ở các bộ phận khác chẳng hạn như mắt, tim, hệ tuần hoàn và phổi.
5. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Tình trạng này xảy ra khi nhiễm trùng từ bộ phận khác của cơ thể lan sang khớp hoặc chất lỏng xung quanh khớp. Khi đó, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào cơ thể trong khi phẫu thuật hoặc qua vết thương hở hoặc nốt tiêm.
Hầu hết, các trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn là do loại vi khuẩn như staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc streptococcus (liên cầu khuẩn) gây ra. Nhưng bệnh cũng có thể do virus hoặc nấm gây ra.
Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn thường xuất hiện triệu chứng sớm bao gồm sưng, đau, sốt và ớn lạnh.
Viêm khớp nhiễm khuẩn thường ảnh hưởng đến đầu gối, hông, mắt cá chân và cổ tay. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể chuyển thành nhiễm khuẩn huyết toàn thân, thậm chí gây tử vong.
6. Bệnh gút
Protein là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng, đảm bảo hoạt động bình thường của mọi cơ quan trong cơ thể bạn từ hệ thống miễn dịch đến hệ thống cơ xương.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều protein là điều không tốt cho cơ thể. Khi phân hủy protein trong quá trình tiêu hóa, cơ thể sẽ tạo ra axit uric như một sản phẩm phụ.
Axit uric dư thừa mà thận không kịp đào thải ra ngoài sẽ chuyển thành tinh thể và tích tụ trong các khớp. Điều này có thể dẫn đến bệnh gút - một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất.
Các triệu chứng của bệnh gút gồm có sưng, nóng, đỏ và đau thường xuất hiện đầu tiên ở ngón chân cái trước khi lan sang các khớp khác trên cơ thể.
7. Bệnh lyme
Mỗi năm, hàng nghìn người bị bọ ve mang vi khuẩn gây bệnh lyme đốt. Các triệu chứng ban đầu của bệnh lyme bao gồm: Mệt mỏi, sốt, đau đầu và trong nhiều trường hợp xuất hiện phát ban tựa hình mắt của con bò.
Dù rất ít người biết về điều này nhưng bệnh lyme cũng có thể lây lan sang các khớp, đặc biệt là đầu gối, nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh lyme cũng được phát hiện là nguyên nhân gây ra chứng cứng cổ và đau chân, tay ở một số người.
8. Bệnh lupus
Lupus là một bệnh tự miễn, gây viêm và có thể tấn công mạnh mẽ tất cả các khớp nếu không được điều trị. Những người mắc chứng rối loạn này có hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, nhắm mục tiêu nhầm vào các mô và cơ quan của cơ thể. Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.
Triệu chứng của bệnh lupus khá giống với nhiều bệnh khác nên rất khó chẩn đoán. Dấu hiệu đặc biệt nhất của bệnh lupus là phát ban trên mặt trông giống như cánh của một con bướm. Cùng với sưng, đau khớp, các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác cần chú ý bao gồm rụng tóc, khó thở, giảm trí nhớ, đau đầu, khô mắt và mệt mỏi.
9. Bệnh lậu
Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm khớp do lậu cầu là một biến chứng phát sinh từ bệnh lậu lây nhiễm qua đường tình dục (STD). Tình trạng này thường gây viêm và đau ở một hoặc nhiều khớp, cùng với các triệu chứng STD khác.
Một số mẹo giúp giữ cho xương khớp khỏe mạnh
- Quản lý trọng lượng cơ thể: Trọng lượng dư thừa gây thêm áp lực lên các khớp, đặc biệt là hông và đầu gối.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu tăng cao có thể làm cứng các mô xung quanh hỗ trợ khớp, khiến chúng dễ bị thương hơn.
- Vận động: Mỗi ngày, chỉ cần 30 phút thực hiện các bài tập ít tác động như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội có thể giúp xương khớp dẻo dai và tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối và hông.
- Kéo giãn các cơ: Nhẹ nhàng kéo giãn cơ thể có thể cải thiện phạm vi chuyển động và giúp cho các khớp dẻo dai, khỏe mạnh.
- Tránh tối đa chấn thương: Một khớp bị thương sẽ có khả năng bị viêm khớp ở tuổi già cao hơn so với khớp chưa từng bị thương.
- Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng tốc độ lão hóa và làm tổn thương các mô bảo vệ các khớp.
- Cung cấp đủ omega-3: Ăn cá hồi là một cách tuyệt vời để có đủ omega-3, có thể giúp giảm viêm.
Bình luận