• Zalo

862 đô thị trong cả nước đóng góp 70% GDP

Bất động sảnThứ Bảy, 26/12/2020 17:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại cả nước có 862 đô thị, đóng góp 70% GDP.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị (năm 2015 là 787 đô thị). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ (loại IV, loại V), mật độ đô thị trong từng vùng kinh tế - xã hội thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế.

Bộ Xây dựng cho rằng, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.

862 đô thị trong cả nước đóng góp 70% GDP - 1

Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020.

Trong báo cáo, Bộ Xây dựng khẳng định vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ  đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra).

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (không đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người). Trong đó về phát triển nhà ở xã hội đạt 5,21 triệu m2, khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (tại Kế hoạch mục tiêu đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2).

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế trong thời gian qua. Đầu tiên là một bộ phận cán bộ, công chức ngành xây dựng còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, quản lý, trì trệ, ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ còn yếu, chưa chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn, vi phạm pháp luật.

Thứ hai là hệ thống pháp luật về xây dựng, công tác lý luận, phương pháp xây dựng quy hoạch, định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan xây dựng có một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Hệ thống dữ liệu về xây dựng, đô thị, thị trường bất động sản... còn thiếu và không đồng bộ.

Về vấn đề “vỡ” kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân do cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn