Trước tình hình dịch COVID-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc COVID-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Ngày 25/4, kết quả Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc COVID-19 cho thấy, 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, phát hiện lần đầu tại ở Kent, Đông Nam nước Anh, hồi tháng 9/2020. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.
Biến thể mới tại Nam Phi B.1.351, lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Đến nay, biến chủng này đã ghi nhận tại 30 quốc gia trên thế giới.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Chúng tôi đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực Tây Nam bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả các tỉnh/thành trong khu vực để rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới việc ứng phó với dịch COVID-19 tại từng địa phương".
Đồng thời, Bộ Y tế chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng. Một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.
Bộ Y tế đang quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch, không luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Bình luận