Đòn bẩy tăng trưởng du lịch
Nhắc tới Tokyo (Nhật Bản), du khách sẽ nhớ Lễ hội hoa anh đào kéo dài suốt từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Hễ đến Bangkok (Thái Lan) tháng 4 hàng năm, nhiều người sẽ hào hứng khi được dự lễ hội té nước mừng năm mới Songkran hoặc đến Rio de Janeiro – Brazil thì quá thích rồi, bởi không đâu trên thế giới có carnival độc đáo hơn thành phố này.
Nhưng để gọi tên một lễ hội đặc trưng cho du lịch Việt Nam thì chưa có, dù chúng ta có đến gần 8000 lễ hội được tổ chức hàng năm.
Thậm chí, những lễ hội nói trên còn là đòn bẩy tăng trưởng du lịch cho các quốc gia. Chẳng hạn như để được tham dự carnival Rio de Janeiro, du khách phải mua vé với giá từ 250 - 1000 USD, mà nếu không đặt sớm cũng sẽ khó có vị trí đẹp. Còn nếu muốn tham dự Lễ hội cà chua lớn nhất thế giới “La Tomatina” ở Tây Ban Nha, du khách cũng phải mua vé tối thiểu là 10 euro, chỉ để được “ném cà chua và reo hò sung sướng”. Thậm chí, chính quyền Tây Ban Nha từ năm 2013 còn phải ra lệnh giới hạn số lượng người được tham dự lễ hội không quá 20.000 người, vậy nhưng sức hấp dẫn của lễ hội đã khiến việc kiểm soát lượng khách cũng trở nên khó khăn.
Việt Nam có 8000 lễ hội mỗi năm nhưng để có những lễ hội mang lại sức hút đặc biệt đối với du khách như vậy thì chưa. Như thế phải chăng là kho vàng du lịch lễ hội ở Việt Nam đang bị bỏ ngỏ?
Những cú hích đầu tiên
Đưa lễ hội lên tầm quốc tế, và xác định xây dựng thương hiệu cho điểm đến bằng những lễ hội, những cú hích đầu tiên như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, hay chuỗi những lễ hội đều đặn được tổ chức tại các khu du lịch thuộc Tập đoàn Sun Group đang hứa hẹn, trong tương lai, Việt Nam sẽ được du khách quốc tế nhắc đến như một điểm đến mới của lễ hội.
Như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2017 chẳng hạn. Bước đột phá nâng sự kiện trình diễn pháo hoa hai năm một lần thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã mang về cho Đà Nẵng hai tháng hội hè tưng bừng với pháo hoa, âm nhạc và hàng loạt các hoạt động văn hóa, lễ hội độc đáo như carnival nghệ thuật đặc sắc, không gian văn hóa ẩm thực Ngũ hành, Lễ hội văn hóa Chăm, triển lãm nghệ thuật…
Với sự tài trợ của Sun Group, DIFF 2017 đã chứng kiến một tỷ lệ tăng trưởng tới hơn 50% lượng du khách tới Đà Nẵng trong hai tháng lễ hội. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ làm nên thương hiệu Thành phố pháo hoa cho Đà Nẵng và nó cũng đánh dấu một hướng đi mới cho du lịch Đà Nẵng: Khẳng định thương hiệu bằng những lễ hội và sự kiện.
Cùng với đó, góp phần không nhỏ trên hành trình làm du lịch của Đà Nẵng nhiều năm qua, khu du lịch hàng đầu Việt Nam Sun World Ba Na Hills là điểm đến giúp thành phố thu hút hàng triệu du khách nhờ chuỗi lễ hội đặc sắc tổ chức hàng năm. Thống kê năm 2016, Sun World Ba Na Hills đón hơn 2 triệu lượt khách, chiếm gần 40% tổng lượng khách đến với Đà Nẵng. Và chắc chắn, nhắc đến khu du lịch này là nhắc đến carnival đường phố tưng bừng, nhắc đến men say của Lễ hội rượu vang độc đáo, hay vị nồng của Lễ hội bia sôi động, sức hút bí ẩn của Lễ hội Halloween, hay ấm cúng như Lễ hội Giáng sinh. Lạ là mùa nào, năm nào Sun World Ba Na Hills cũng có lễ hội, nhưng chẳng lễ hội nào giống lễ hội nào, và mỗi năm lại thêm phần cuốn hút, mới lạ. Thế nên, nhiều du khách cứ trở đi trở lại khu du lịch này ba, bốn lần mà vẫn thấy mới.
Từ “miền đất rồng” Hạ Long (Quảng Ninh), chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội được tổ chức định kỳ, cũng đã và đang hút dòng khách lớn. Carnaval Hạ Long đã trở thành thương hiệu gắn liền với Tuần du lịch Hạ Long hàng năm. Góp thêm sức hút cho du lịch Hạ Long gần đây cũng phải nhắc tới những sự kiện được tổ chức thường xuyên bởi tổ hợp du lịch Sun World Ha Long Complex của Tập đoàn Sun Group như đại nhạc hội “Rực rỡ Hạ Long” hay “Lễ hội mặt trời mọc”.
Nhờ những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như thế, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ 29/4-2/5/2017, ngành du lịch Quảng Ninh đã đón lượng khách khổng lồ tăng đột biến, đạt tới 42.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Hội thảo Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Vũ Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long cho biết: “Hạ Long vừa qua có những ngày đón tới 24.000 khách xuống vịnh, thu 6,5 tỷ chỉ tiền phí thăm vịnh thôi”.
Tại Lào Cai, cú hích từ những sản phẩm du lịch độc đáo mới mẻ như khu du lịch Sun World Fansipan Legend với hàng loạt lễ hội độc đáo như Lễ hội khèn hoa và Không gian văn hóa Tây Bắc, Lễ hội hoa đỗ quyên, Lễ hội rượu và ẩm thực Tây Bắc… đã không chỉ gia tăng lượng khách cho Sa Pa mà còn góp phần mang văn hóa, sản vật vùng cao đến gần hơn với du khách.
Không có giới hạn sáng tạo nào cho người làm du lịch lễ hội, cũng như với 54 dân tộc với đủ mọi sắc màu văn hóa, với gần 8000 lễ hội mỗi năm, với những khu du lịch biết cách làm lễ hội như thế, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu du lịch lễ hội cho Việt Nam. Du lịch lễ hội sẽ trở thành động lực lớn để tạo nên tăng trưởng đột phá cho những điểm đến, những vùng đất giàu tiềm năng.
Bình luận