80% dân số Việt Nam có thể xem truyền hình số miễn phí, chất lượng

Khám pháThứ Hai, 11/01/2021 18:22:00 +07:00
(VTC News) -

Việt Nam là quốc gia thứ 5 ở Asean ngừng công nghệ Analog, chuyển sang công nghệ số DVB-T2, 80% dân số Việt Nam có thể xem truyền hình số miễn phí, chất lượng.

Phủ sóng DVB-T2 rộng khắp

Không giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chọn lựa 1 quy mô rộng lớn, với 5 địa phương là 5 thành phố trực thuộc Trung ương để bắt đầu giai đoạn 1 triển khai số hóa truyền hình. Với tiêu chí không để người dân nào bị gián đoạn thu xem truyền hình khi chuyển đổi, đề án giai đoạn sau được mở rộng ra theo các năm tại các địa phương có thu nhập thấp hơn, địa hình sâu, xa khó khăn hơn.

Ngoài việc phủ sóng số tới 80% dân cư, đề án còn hỗ trợ, lắp đặt đầu thu số cho gần 2 triệu hộ nghèo, từ nguồn quỹ viễn thông công ích khoảng 1.145 tỷ đồng, không phải trích từ ngân sách nhà nước.

0h ngày 28/12/2020, Việt Nam đã cán đích Số hóa truyền hình trên phạm vi toàn quốc. Người dân giờ đây có thể xem miễn phí tới 60 kênh SD, hơn 10 kênh HD, trong đó có 7 kênh thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội.

80% dân số Việt Nam có thể xem truyền hình số miễn phí, chất lượng - 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi công bố Việt Nam chính thức hoàn thành Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng Truyền hình Mặt đất ngày 11/01 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Điểm đột phá lớn nhất của đề án là Việt Nam đã sử dụng công nghệ DVB-T2 - là công nghệ thế hệ sau thay vì công nghệ DVB-T. Công nghệ DVB-T2 sử dụng kỹ thuật điều chế và mã hóa tín hiệu ưu việt hơn nên hiệu quả sử dụng tần số tăng gấp 1,5 lần so với công nghệ DVB-T và có khả năng chống nhiễu tốt hơn...

Nhân dân phải nhận thức được, việc cắt sóng truyền hình tương tự là để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề giúp nâng cao đời sống cho bà con, để chúng ta sánh vai với các nước, để từ đó ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy công nghệ mới".

Với việc tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5/10 nước ASEAN về hoàn thành số hóa truyền hình cùng Brunei, Singapore, Malaysia, Thailand, giữ đúng cam kết về thời gian hoàn thành, trong khi Việt Nam là nước đông dân nhất trong 5 nước trên. Với thế giới, mặc dù Việt Nam có dân số đứng thứ 15 và thu nhập đứng thứ 130/193, nhưng đứng thứ 78/193 nước hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.

80% dân số Việt Nam có thể xem truyền hình số miễn phí, chất lượng - 2

Việt Nam đã cán đích Số hóa truyền hình trên phạm vi toàn quốc.

Một điều rõ ràng, hoàn thành số hóa truyền hình tại Việt Nam cũng đồng nghĩa khoảng cách số giữa nông thôn và vùng sâu xa với thành thị đã thật sự được thu hẹp, người dân được bình đẳng tiếp cận thông tin.

Đài truyền hình hoà nhịp chuyển đổi số

Từ chỗ chỉ có 1 đơn vị phát sóng số là Đài truyền hình kĩ thuật số VTC (vào năm 2011), khi thực hiện Đề án số hóa truyền hình, Việt Nam đã hình thành được thị trường dịch vụ truyền dẫn, phát sóng số (TDPS). Các đơn vị truyền dẫn phát sóng số phạm vi toàn quốc gồm VTV, VTC, CTCP AVG cùng 02 CTCP TDPS phạm vi khu vực, phía Bắc là DTV, phía Nam là SDTV.

Điều này cũng đồng nghĩa các đài truyền hình địa phương sẽ được tập trung nguồn lực để sản xuất chương trình. Cũng từ đây, rất nhiều đài truyền hình địa phương đã phát sóng được chuẩn HD, phục vụ khán giả và kênh sóng địa phương được lan tỏa hơn tới các địa bàn lân cận.

Nhà đài không tự bằng lòng với chất lượng nội dung chương trình, liên tục phải đổi mới để giữ chân khán giả. Vì vậy, đầu tư liên tục công nghệ sản xuất chương trình HD, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các format chương trình mới các đài truyền hình liên tục áp dụng suốt 9 năm thực hiện đề án số hóa truyền hình mặt đất.

Trước đây, 1 kênh tần, chỉ phát được đúng 1 kênh truyền hình; giờ đây, khi dùng công nghệ mới, có khả năng nén cao, 1 kênh tần có thể truyền tải tới 30 kênh chương trình. Tài nguyên tần số lại được phát huy hiệu quả.

Đồng thời, khi cán đích Số hóa truyền hình, Việt Nam giải phóng được 112 MHz phổ tần, trị giá nhiều nghìn tỉ đồng. Đây cũng là băng tần tốt nhất cho phủ sóng 5G toàn quốc trong thời gian tới, tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hoàn thành Số hóa truyền hình mặt đất trên phạm vi toàn quốc, tác động đến 63 tỉnh thành, xuyên suốt 9 năm là 1 hành trình dài. Song được triển khai - được thực hiện với sự quyết liệt và sáng tạo, từ Ban chỉ đạo quốc gia đến các địa phương. Thành công của Đề án cũng khẳng định cam kết về thời gian hoàn thành của Việt Nam trong khối Asean, khẳng định Việt Nam đã hiện đại hóa bước quan trọng trong lĩnh vực truyền hình, ngang tầm khu vực và thế giới.

Nguyễn Hiền
Bình luận
vtcnews.vn