Nam Phi: Túp lều tán tỉnh
Bộ tộc Zulu ở Nam Phi có truyền thống từ lâu đời là dựng túp lều tán tỉnh cho các cặp đôi trai gái. Cha của các cô gái Zulu cấm bất kỳ người cầu hôn tiềm năng nào đến nhà của họ, vì vậy họ dựng một túp lều đặc biệt để cho đôi trai gái gặp nhau.
Đây là giai đoạn thứ hai trong năm giai đoạn chính của quá trình tán tỉnh một cô gái ở Zulu và sau giai đoạn này, đôi trẻ gần như luôn luôn tiến đến hôn nhân.
Xứ Wales: Chiếc thìa tình yêu
Từ thế kỷ 17, các cặp đôi ở xứ Wales trao nhau những chiếc thìa tình yêu được chạm khắc bằng tay để thể hiện ước muốn có được người kia. Những người đàn ông trẻ tuổi sẽ dành hàng giờ để khắc lên chiếc thìa những biểu tượng về hy vọng và ước muốn của họ. Nếu cô gái chấp nhận, trò chơi tán tỉnh yêu đương bắt đầu.
Ngày nay, mặc dù truyền thống này không còn được duy trì nhưng những chiếc thìa tình yêu vẫn là món quà phổ biến ở xứ Wales trong ngày lễ tình nhân, lễ đính hôn và đám cưới.
Mexico: Huýt sáo tán tỉnh
Trong khi ở nhiều nền văn hóa, huýt sáo để kêu gọi sự chú ý có thể bị coi là biểu hiện của sự thô lỗ nhưng trong bộ lạc Kickapoo, đó là cách các cặp đôi tán tỉnh nhau. Vào ban đêm, trên các con đường làng luôn tràn ngập tiếng huýt sáo.
Các cặp đôi sử dụng tiếng huýt sáo để tán tỉnh nhau và lên kế hoạch gặp gỡ. Mỗi cặp đôi đều có âm điệu độc đáo riêng để hai người có thể nhận ra đối phương và họ còn tạo ra tiếng huýt sáo với ám hiệu riêng mà không ai khác có thể hiểu được trừ họ. Mặc dù tiếng huýt sáo thường chỉ trao đổi các thông điệp ngắn nhưng nhiều khi, người Kickapoo còn có thể thực hiện cả một cuộc trò chuyện bằng tiếng huýt sáo.
Fiji: Phải lấy lòng cha của bạn gái
Ở Fiji, đàn ông muốn chinh phục được cô gái thì phải gây ấn tượng với bố của cô ta và việc này không hề dễ dàng. Truyền thống phổ biến ở đây là tặng cho cha của cô dâu một chiếc tabua (răng cá voi) trước khi ông xem xét người cầu hôn có đủ điều kiện để kết hôn với con gái mình hay không. Và điều này có nghĩa là chàng trai phải lặn xuống biển và đối mặt với cá voi – loài động vật có vú lớn nhất thế giới.
Scotland: Bôi bẩn cô dâu chú rể trước ngày cưới
Ở Scotland, có phong tục blackening - “bôi đen” dành cho cô dâu chú rể vào trước ngày cưới. Vào đêm trước đám cưới, chú rể và cô dâu tương lai sẽ nhận được sự xui xẻo đó là bị ném trứng thối, siro, bồ hóng và bột mì lên người. Sau đó, họ được cho diễu hành qua các đường phố. Ở Scotland, phong tục “bôi đen” này được thực hiện rất hào hứng và người ta tin rằng đây là cách giúp cô dâu chú dể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân.
Ý: Ổ khóa tình yêu
Không có gì ngạc nhiên khi người Ý là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng những ổ khóa và treo chúng lên cây cầu để thể hiện như một tuyên ngôn của tình yêu. Lấy cảm hứng từ cuốn sách và bộ phim “I want you” của nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn người Ý là Federico Moccia, các cặp đôi đã gắn những ổ khóa lên cây cầu Ponte Milvio ở Rome.
Họ viết tên của mình và người yêu lên ổ khóa, rồi khóa chiếc ổ khóa đó lên cây cầu và ném chìa khóa xuống sông như một biểu tượng của tình yêu và sự cam kết của họ dành cho nhau không thể bị phá vỡ.
Trung Quốc: Gửi thư để tỏ tình
Dân tộc Miao ở tỉnh Quý Châu, thuộc phía tây nam Trung Quốc có truyền thống tổ chức Lễ hội Bữa ăn chị em để cho các chàng trai cô gái bày tỏ tình yêu với nhau. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 15 tháng Ba âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.
Các chàng trai sẽ thể hiện tình cảm của mình với người mà họ có định cầu hôn. Còn các cô gái sẽ đáp lại tình cảm với chàng trai bằng cách gửi những bức thư tình độc đáo nhất. Họ nấu cơm nếp với 4 màu khác nhau gồm xanh, hồng, vàng, trắng được tạo màu bằng lá rừng để tượng trưng cho 4 mùa trong năm. Cơm sẽ được cuộn trong một chiếc khăn tay và trao cho từng chàng trai đã cầu hôn với họ.
Các chàng trai sau đó mở khăn tay ra để tìm câu trả lời. Nếu trong đó có hai chiếc đũa đỏ thì cô gái cũng thích chàng trai, một chiếc đũa là cô gái lịch sự từ chối anh ta. Nếu trong đó có nhánh thông thì cô gái muốn nhắn nhủ chàng trai hãy thử lại một lần nữa vì cô gái chưa hạ quyết tâm; một củ tỏi hoặc quả ớt: Tạm biệt chàng trai.
Phần Lan: Thi cõng vợ
Hàng năm kể từ năm 1992, các cặp đôi từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham gia Giải vô địch thế giới cõng vợ ở Sonkarjavi, Phần Lan. Mặc dù tên cuộc thi là cõng vợ song các cặp đôi tham gia có thể là vợ chồng hoặc người yêu.
Các đấng mày râu có thể cõng vợ/người yêu mình theo bất cứ kiểu gì, kiểu piggyback (người ngồi trên lưng vòng hai tay qua cổ người cõng), fireman carry (vác cả thân người trên lưng) hay kiểu Estonia (người ngồi trên lưng treo ngược cơ thể với chân vòng qua vai và hai tay giữ chặt eo người kia) với mục tiêu là vượt qua các chướng ngại vật trong thời gian nhanh nhất. Giải thưởng sẽ là một thùng bia nặng bằng đúng trọng lượng của người được cõng trên lưng.
Bình luận