• Zalo

8 dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang sống trong môi trường thiếu lành mạnh

Giáo dụcChủ Nhật, 17/11/2019 18:15:00 +07:00Google News

Môi trường gia đình không tốt dễ khiến trẻ phải chịu những áp lực về tâm lý, kém phát triển và thường gặp thất bại trong cuộc sống.

Cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái. Tuy nhiên, ở một số gia đình, cách giao tiếp, dạy con không phù hợp hoặc đôi khi là sự ích kỷ, thờ ơ của cha mẹ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm hồn con trẻ. Dưới đây là những vấn đề tâm lý mà đứa trẻ sẽ phải chịu đựng nếu được sinh sống và giáo dục trong môi trường gia đình thiếu lành mạnh.

Luôn tỏ ra sợ hãi, ngại giao tiếp xã hội

Một số cha/mẹ hoặc ông/bà là người có tiếng nói trong nhà, thường xuyên điều khiển và kiểm soát các thành viên khác. Sự kiểm soát quá gắt gao khiến đứa trẻ có thói quen tránh né mọi chuyện để khỏi bị phụ huynh can thiệp. Chúng cũng trở lầm lì và ít phát triển các mỗi quan hệ ngoài xã hội.

toxic family

 (Ảnh: Brightside)

Không tin tưởng bất kỳ ai

Nếu phải lớn lên trong sự kiểm soát đó, đứa trẻ sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm. Chúng luôn phải sống trong trạng thái hoài nghi, lo lắng, không thể mở lòng mình cũng như không dám tin tưởng bất kỳ ai.

Không biết cách vượt qua thất bại

Khi được nuôi dưỡng trong môi trường như vậy, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy mình chưa đủ tốt, hoặc sự hiện diện của mình không hề có giá trị. Bố mẹ đòi hỏi ở con mình quá nhiều và sẵn sàng trách phạt hoặc đổ lỗi nếu thấy con không đáp ứng được yêu cầu của mình. Đó là lý do vì sao chỉ một vấp ngã nhỏ thôi cũng đủ khiến chúng hoảng sợ, tức giận và cáu gắt.

Tự ti về bản thân

Một gia đình sẽ hạnh phúc nếu các cá nhân biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Một khi mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên bất hòa, con cái thường xuyên bị cha mẹ chỉ trích và trách mắng, chúng sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm và tự ti về bản thân mình.

Tự chỉ trích bản thân

Bố mẹ không tâm lý, thường xuyên quát mắng sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy bản thân mình ngu dốt và không xứng đáng được nhận điều gì tốt đẹp nhất. Dần dần, chúng chấp nhận việc mình là một kẻ kém cỏi. Dù vậy, đứa trẻ cũng sẽ bị tổn thương tinh thần sâu sắc.

Che giấu cảm xúc

Trong một số gia đình, cha mẹ thường không quan tâm đến cảm xúc của con cái. Thậm chí, nếu thể hiện cảm xúc hơi quá, đứa trẻ còn bị quát mắng, thậm chí là trách phạt. Lâu dần, chúng sẽ quen với việc che giấu cảm xúc của mình. Đến khi trưởng thành, những đứa trẻ này cũng sẽ có thói quen đặt cảm xúc của người khác lên trên cảm xúc của mình.

Kìm nén cảm xúc khiến chúng ngày càng tự ti. Chúng không hiểu mình là ai, mình cảm thấy thế nào và mình muốn gì trong cuộc sống. Từ đó, chúng sẽ luôn gặp thất bại trong cuộc sống sau này.

Cảm thấy vô dụng và bất lực

Trong mắt các bậc phụ huynh, con cái lúc nào cũng bé bỏng và không biết gì. Cho dù đứa trẻ có lớn, bố mẹ vẫn luôn tìm cách kiểm soát, kìm kẹp chúng. Nếu chúng không nghe lời, bố mẹ sẽ có hành động trách phạt nặng nề để con mình nhận lỗi.

Nếu không có quyền tự đưa ra quyết định, bị xâm phạm quyền riêng tư hay không được coi trọng như một người độc lập, những đứa trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm thần. Chúng sẽ luôn sợ hãi, ngại thử sức với những lĩnh vực mới và khó hòa nhập với xã hội.

Thường xuyên lo lắng

Sống trong môi trường giáo dục thiếu lành mạnh khiến đứa trẻ có thể mắc phải chứng rối loạn lo âu. Tình trạng này cũng có thể xảy ra đối với những gia đình có các mối quan hệ bất ổn, trẻ bị ngược đãi về thể chất và tinh thần. Chúng thường bị mất tập trung, dễ cáu kỉnh, bồn chồn và căng thẳng.

Quỳnh Anh
Bình luận
vtcnews.vn