BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho hay, tính đến 6h ngày 13/7 rất may không có trường hợp nào chuyển biến xấu. Tổng cộng 73 bệnh cấp cứu ngộ độc, 17 ca buộc phải chuyển phòng hồi sức tích cực vì có tiên lượng xấu, có những ca rất xấu, tuy nhiên đến rạng sáng nay bệnh viện cơ bản kiểm soát được tình hình.
Các bệnh nhân nhập viện cấp cứu với dấu hiệu gần như giống nhau là nôn mửa, sốt cao, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, suy kiệt cơ thể nặng. Hầu hết các bệnh nhân chủ yếu trú tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên -Huế).
Th.S. BS Hoàng Pi Tơ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho hay, các bệnh nhân bị ngộ độc, nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm.
Các bệnh nhân này kể lại vào trưa ngày 12/7 đi ăn đám cưới ở xã Phong Sơn, ở đó có sử dụng các món ăn như gỏi và chả… Bác sĩ nghi ngờ món ăn dẫn đến ngộ độc là món gỏi tôm.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, sau khi nắm được thông tin, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan đến nơi tổ chức đám cưới để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc tập thể.
"Các món ăn phục vụ đám cưới, chủ nhà đổ hết nên rất khó lấy mẫu. Tuy nhiên, qua thực đơn, khả năng món ăn dẫn đến ngộ độc là món gỏi tôm", Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nói.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng nắm được thông tin sự việc và cho rà soát lại tình hình, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đánh giá cao những nỗ lực trong việc cấp cứu không để trường hợp đáng tiếc nào xảy ra của cán bộ y bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế, dù số lượng vào viện rất lớn nhưng các bác sỹ giám sát rất tốt.
Bình luận