Từ năm 2014 về trước, các kỳ thi quốc gia hằng năm được tổ chức nhiều đợt riêng rẽ, trong khoảng một tháng. Trong đó 1 đợt thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh do các Sở GD&ĐT thực hiện; 3 đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường thực hiện.
Hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học được tổ chức liên tiếp vào thời điểm gần nhau với cùng nội dung thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 cho số lượng thí sinh lớn. Điều này gây tốn kém, áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Do đó, năm 2015 lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay còn gọi là kỳ thi 2 trong 1. Mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong đổi mới thi cử, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và phụ huynh.
Sau 7 năm đổi mới hình thức thi THPT có tới 6 sự kiện gây tranh cãi gồm: Điểm sàn tăng giảm liên tục, đổi thi trắc nghiệm, cơn mưa điểm 10, điểm chuẩn vượt ngưỡng tuyệt đối, cộng điểm ưu tiên quá cao, gian lận nâng điểm.
Hai năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT tổ chức 8 môn thi với 2 loại cụm thi (cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi để tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì; cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT).
Ở kỳ thi 2 trong 1 này, các thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, các em mới cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp.
Kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trục trặc lớn nhất trong năm đầu tiên tổ chức thi là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin khi công bố kết quả thi và thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Điều này gây ra những cuộc nộp rút hồ sơ trong tích tắc, không kiểm soát được thí sinh ảo. Đỉnh điểm là câu chuyện thí sinh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cứu thương để kịp ra Hà Nội rút hồ sơ trường nọ, nộp vào trường kia do điểm xét tuyển của một số trường thay đổi liên tục lên xuống như chứng khoán.
Rút kinh nghiệm sau 2 năm đầu, năm 2017, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên 63 tỉnh thành, mỗi địa phương thành lập một cụm do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp.
Năm này, các thí sinh thực hiện 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Đồng thời, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi, môn thi (trừ bài thi Ngữ văn). Mỗi thí sinh cùng phòng thi có mã đề riêng, bài làm của thí sinh được chấm bằng máy tính.
Việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm, nhất là với môn Toán vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia. Họ cho rằng điều đó khó đánh giá thực chất chất lượng học sinh.
Cũng vì áp dụng bài thi trắc nghiệm ở tất cả các môn (trừ Ngữ văn), nên năm 2017 xuất hiện "cơn mưa điểm 10". Từ chỗ chỉ 57 điểm 10 ở 8 môn vào năm 2016 thì đến năm 2017 tới 4.235 điểm 10 ở 9 môn. Điểm thi cao kéo theo điểm chuẩn vào các trường đại học cao nhất từ trước đến nay. Điển hình như Học viện An ninh nhân dân lấy tới 30,5 điểm khối C với nữ.
Điểm chuẩn lạm phát, khiến nhiều đại học phải đặt ra các tiêu chí phụ trong xét tuyển đầu vào, điều này làm không ít thí sinh tuột mất cơ hội vào đại học dù đủ điểm đỗ nhưng trượt ở tiêu chí phụ.
Nhìn chung, kết quả của kỳ thi năm 2017 được các chuyên gia đánh giá chưa đạt độ phân biệt cao, phần nào gây khó khăn với công tác tuyển sinh của một số trường đại học, đặc biệt những trường top đầu.
Năm 2018, đề thi THPT quốc gia được đánh giá khó hơn nhiều so với năm trước đó. Để giảm tình trạng lạm phát điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên theo đối tượng, khu vực tối đa từ 3,5 xuống còn 2,75 điểm trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn riêng cho ngành Sư phạm và ngành Y dược để đảm bảo chất lượng xét tuyển đầu vào không quá thấp, gây tranh cãi xã hội như năm 2017.
Đặc biệt, vào năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia gây chấn động khi nhiều thí sinh ở khu vực miền núi phía Bắc điểm thi cao bất thường. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an vào cuộc, phát hiện 221 thí sinh (Hà Giang 114 em, Sơn La 44 và Hòa Bình 63) được nâng điểm. Có em được nâng tới hơn 9 điểm một môn, đưa tổng điểm lên tới 29,95/ 3môn.
Vụ bê bối này khiến 16 cán bộ, gồm cả phó giám đốc sở, giáo viên, lãnh đạo địa phương... bị khởi tố và ngồi tù. Các thí sinh được nâng điểm bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển hoặc buộc thôi học ở các trường đại học.
Khi đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm, hứa điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi chính xác.
Năm 2019, rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT triển khai áp dụng nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo hướng tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng; tăng cường ứng dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin trong tổ chức thi. Đặc biệt tăng cường chức năng bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm. tăng cường thanh tra, kiểm tra trong tổ chức thi. Kỳ thi diễn ra êm đềm, không có sự việc nổi cộm.
Năm 2020, sau khi Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Từ đây, Bộ GD&ĐT xác định lại mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp, bỏ cách nói kỳ thi 2 trong 1. Về tuyển sinh đại học, Bộ GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường tự chủ tự quyết định. Do đó, đề thi được đánh giá dễ hơn, phổ điểm thi ở các môn cao hơn, điểm chuẩn hầu hết đại học lại tăng.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT thay đổi mục đích của kỳ thi, nhưng hầu hết trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đầu vào.
Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài ở các địa phương. Đề thi tiếp tục được giảm tải do chương trình được tinh giản, học sinh trải qua hai đợt học online bởi COVID-19.
Kỳ thi năm nay phải chia thành hai đợt. Lần đầu tiên trong lịch sử các địa phương phải xin đặc cách tốt nghiệp cho hơn 15.000 thí sinh do ảnh hưởng của dịch. Do đề dễ nên điểm thi 2021 tăng mạnh, đặc biệt là môn tiếng Anh với phổ điểm kỳ lại khi có hai đỉnh. Số điểm 10 lên tới hơn 24.000, gấp hơn 4 lần năm ngoái.
Cũng vì đề thi dễ, nên một lần nữa xuất hiện "cơn mưa điểm 10" và "lạm phát" điểm chuẩn xảy ra tương tự năm 2017. Điểm chuẩn một số ngành tăng gần 11 điểm. Các trường Đại học Hồng Đức, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện mức chuẩn từ 30 trở lên.
Cũng vì chủ quan và ảo điểm nên 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng đề thi dễ, không phân loại cũng là một phần nguyên nhân. Vấn đề thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của các đại học lại được đặt ra.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nên tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Tương tự, TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hoá không tốt, không phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025 mới, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bình luận