Tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, ngụ ở ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) tại bãi biển Cần Giờ, một trong những người đầu tiên tham gia cứu hộ cứu nạn lúc 7 học sinh bị sóng đánh trôi.
Anh Phương chia sẻ, giá như lúc đó anh và mọi người phát hiện sớm hơn thì đâu đến sự thể đau lòng này.
Theo đó, anh Phương kể lại: Khoảng 11h30 ngày 29/12, anh đang ở nhà thì nghe mọi người tri hô nhau có vụ chết đuối liền chạy ra xem.
“Lúc đó tôi vội tháo chạy khỏi nhà tìm đến hiện trường thì phát hiện người dân đã lao xuống nước để tìm kiếm. Sau một thời gian ngắn thì vớt được bé trai tên Long đưa vào bờ. Tôi thấy bé vẫn còn dấu hiệu sống sót nên liền vác bé lên vai chạy xóc nước cho bé. Liền sau đó, bé Long được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi”- anh Phương xót xa kể.
Theo anh Phương, thời điểm xảy ra vụ việc, dù anh và mọi người chạy lại hiện trường nhưng lúc này sóng quá lớn khiến công tác tìm kiếm rất khó khăn. Anh và mọi người lao ra giữa biển lặn tìm nhưng không có kết quả. Phụ huynh và người thân các nạn nhân vẫn đang ngóng tin con
Theo người dân sống trong khu vực, bãi biển nơi các em học sinh tắm gần khu vực dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ nên bờ biển có nhiều hố sâu, bãi trũng và nước xoáy bất ngờ. Chính vì ham chơi nên 7 em học sinh đã lọt vào mê cung này dẫn đến tử vong.
Cô Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh BìnhDương) cho biết: Ngay khi nhận được thông tin 7 học sinh mất tích, hàng chục thầy cô giáo đã nhanh chóng xuống bờ biển để tìm kiếm các học sinh mất tích.
“Nhận được thông tin, chúng tôi đã lập tức chia các giáo viên trong đoàn ra 2 tổ, một tổ trấn an tinh thần và các em trên bờ tránh hoảng loạn, một nhóm trực tiếp xuống bờ biển để phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm các em mất tích. Dù chạy khắp nơi nhưng chúng tôi không thấy các em đâu, mọi người bắt đầu hoảng hốt và nhờ đến chính quyền địa phương vào cuộc”, cô Tâm nhớ lại.
Theo đó, cô Tâm cho biết thêm, sáng 29/12, đoàn gồm 96 học sinh và 19 giáo viên của trường đi tham quan chiến khu rừng Sác về khu nghỉ mát Hàng Dương để ăn uống. Lúc này, 12 em học sinh đã xuống bãi biển 30/4 để tắm. Khoảng 30 phút sau thì 5 em học sinh hốt hoảng chạy lên thông báo 7 bạn bị sóng biển cuốn trôi.
'Bố cản rồi, sao con vẫn đi'
Gặp ông Võ Thanh Tuấn (ngụ KP.3, thị trấn Dầu Tiếng), phụ huynh em Võ Tấn Tài (hiện đang mất tích) lặng lẽ đứng trên phiến đá bên bãi biên, đôi mắt đỏ hoe nhìn về khơi xa, nơi những chiếc cano đang tìm kiếm thi thể con của ông đang mất tích.
Ông Tuấn thều thào trong nước mắt: “Giá như thời gian có thể quay trở lại thì tôi chắc chắn không cho cháu đi. Con ơi là con! Bố đã ngăn không cho con đi rồi mà sao vẫn cứ đi?".
Ông Tuấn kể lại: “Tôi hôm qua, Tài về nhà khoe với bố mẹ rằng, ngày mai con được đi thực địa và được tắm biển ở Cần Giờ. Lúc đó tôi ngăn cháu đừng đi chơi ở nhà với bố mẹ. Cả tuần nay cháu nó đi học cả ngày rồi. Vậy mà nhất quyết cháu không chịu nghe và cứ đòi đi bằng được”.
Theo ông Tuấn, suốt đêm Tài không ngủ được vì cứ chờ mong tới sáng để được đi chơi cùng tụi bạn. “Sáng sớm cháu còn nói sẽ mua quà về cho bố mẹ, vậy mà lần đi này chính là chuyến đi định mệnh của cháu. Tôi đã mất con trai vĩnh viễn thật rồi”- ông Tuấn khóc nghẹn. Niềm hy vọng lụi tàn khi ngày mới đến
Ánh mắt luôn hướng về biển đêm mênh mông ngay từ khi có mặt tại hiện trường, bà Trần Thị Tuyết Thanh (phụ huynh em Võ Thành Luân) đau đớn khi biết con trai mình đã thiệt mạng, thi thể được lính cứu hộ đang chuyển vào bờ.
Như ngây dại, bà Thanh chỉ biết lẩm bẩm: “Tôi không tin đây là sự thật. Lúc sáng đi cháu nó còn nói với tôi sẽ mua quà về cho mẹ. Nó bảo nó thương mẹ nhất trên đời. Vậy mà…”.
Được biết, hiện gia đình bà Thanh ở Dầu Tiếng đã chuẩn bị rạp và thuê bàn ghế để lo hậu sự cho em.
Ngay trong đêm, đại diện UBMTTQ TP.HCM đã hỗ trợ 7 gia đình có nạn nhân mỗi người 5 triệu đồng. Về những nạn nhân được tìm thấy, sau khi khám nghiệm tử thi cơ quan chức năng đã bàn giao để gia đình lo hậu sự.
Hồ Phương
Bình luận