• Zalo

7 điều ngộ nhận về an toàn hạt nhân

Khám pháThứ Sáu, 18/06/2021 07:33:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Năng lượng hạt nhân là một ngành khoa học phức tạp nên xuất hiện nhiều điều ngộ nhận về nó trong dư luận xã hội.

Năng lượng hạt nhân vẫn là một điều bí ẩn đối với rất nhiều công chúng. Do đây là 1 ngành khoa học phức tạp, với nhiều lý thuyết khó hiểu và ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng nếu không sử dụng đúng cách, do đó cũng xuất hiện nhiều điều ngộ nhận về nó trong dư luận xã hội.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Vật lý, trưởng khoa Vật lý Thực nghiệm, Đại học Liên bang Liên bang Nga, ông Vladimir Ivanov đã lý giải một số ngộ nhận này.

Ngộ nhận thứ nhất: Bơi lội, hái nấm hay quả rừng gần nhà máy điện hạt nhân là nguy hiểm

Tiến sĩ Ivanov cho biết, lượng phát thải và tác động đến môi trường của nhà máy điện hạt nhân đều được kiểm soát chặt chẽ, cả trên lý thuyết và thực nghiệm trong nước Nga cũng như quốc tế. Theo quan điểm của ông, những tình huống trên đây đều không có gì nguy hiểm vượt mức bình thường.

Nỗi sợ này có thể đã bắt nguồn từ nhiều thực tế, do trong giai đoạn đầu ngành điện hạt nhân của Nga được xây dựng cùng với sự hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân (AES) thử nghiệm, tác động của phóng xạ lên môi trường và con người khi đó chưa được nghiên cứu kỹ và chất thải của các nhà máy đó đã được xử lý theo cách mà thời này không theẻ chấp nhận nổi.

Thậm chí, có những lúc chất thải phóng xạ được đem ra đổ thẳng vào hồ nước ngay cạnh cơ sở hạt nhân đó mà không quan tâm tác động sinh thái của nó ra sao, bởi khi đó cả Liên Xô đang phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng gấp rút là hoàn thiện ô hạt nhân.

7 điều ngộ nhận về an toàn hạt nhân - 1

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Ivanov.

Một trường hợp thực tế có thể kể đến chính là nhà máy vật liệu hạt nhân Mayak, cơ sở đã đổ chất thải phóng xạ ra hồ Karachay khiến nó còn bị ô nhiễm cho đến ngày nay. Hiện tại, ở hồ nước này họ đã khắc phục bằng cách kè bê tông để ngăn chặn phát tán bụi phóng xạ và luôn duy trì mực nước nhất định tránh cho đáy hồ bị khô.

Tuy nhiên, những thứ trên chỉ là sản phẩm của quá khứ. Các nhà máy điện hạt nhân hiện tại đều được quản lý và giám sát chặt chẽ. Ví dụ với nhà máy điện hạt nhân Beloyarsk, nước chảy ra từ nhà máy chỉ khác nguồn nước sạch ngoài ở chỗ nó ấm hơn mà thôi, tất cả các nhân phóng xạ đều nằm ở mức rất thấp có thể bỏ qua.

Việc nhặt nấm hay hái quả xung quanh nhà máy điện, nếu có tác động thì đó cũng chỉ thuần túy là vấn đề tâm lý. Theo ông Ivanov cho biết, nó còn an toàn hơn cả việc hái quả mọc gần đường cao tốc vì các chất ô nhiễm trong xăng đốt cháy được tích tụ trong đất và khuếch đại sinh học trong quả cây mọc ở đây.

Ngộ nhận thứ 2: Nếu có tai nạn nhà máy điện hạt nhân, bụi phóng xạ sẽ phủ lên các vùng dân cư xung quanh

Ngày nay, vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân luôn được để ý chặt chẽ và cải tiến thường xuyên. Giả sử khi bị nổ hơi (tương tự vụ Chernobyl), các nhân phóng xạ có thể phát tán giống như khí clo phát tán lúc nổ nhà máy hóa chất. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này ngày nay gần như không thể xảy ra vì sự quản lý chặt chẽ cũng như những công trình bảo vệ nhiều tầng, lớp bọc ngoài lò phản ứng. Ví dụ một lò phản ứng công suất 1.000 MW ngày nay sẽ được bảo vệ bằng một nhà lò bê tông dày tới hơn 2 mét và bọc một lớp thép dày tới 32 cm bên trong. Do đó, những vụ việc như Chernobyl không thể xảy ra với lò phản ứng kiểu mới.

7 điều ngộ nhận về an toàn hạt nhân - 2

Hồ Karachay, được coi là hồ nước ô nhiễm nhất thế giới do nhiều năm chất thải phóng xạ từ nhà máy Mayak đều đổ về đây.

Ngay cả trong trường hợp có tai nạn rò rỉ phóng xạ như tại nhà máy Mayak tại Kyshtym năm 1957, hướng gió thổi hàng năm cũng đã được mô hình hóa tính toán để không thể mang các nhân phóng xạ tới những khu dân cư lớn mà chủ yếu thổi vào rừng hay những nơi hoang dã.

Ngộ nhận thứ 3: Tất cả phóng xạ đều là nhân tạo

Điều này hoàn toàn là một sai lầm. Các đồng vị phóng xạ của tất cả các nguyên tố đều luôn tồn tại. Khi Trái Đất hình thành, những nhân phóng xạ bất ổn định đã tập trung lại phần lõi, tạo ra phóng xạ nền dưới dạng tia gamma. Bất kể chúng ta đang ở đâu, ngoài đường hay trong nhà, chúng ta đều bị chiếu xạ gamma, từ đất, từ những bức tường xung quanh và cả từ vũ trụ. Theo thời gian, lượng bức xạ nền của Trái Đất đang giảm dần, điều đó cũng đồng nghĩa tổ tiên loài người đã chịu lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với ngày nay.

Ngộ nhận thứ 4: Những con đường lát đá Granit là nguồn phóng xạ

Ngộ nhận này dựa trên một thực tế là bất kỳ loại đá tự nhiên nào cũng đều chứa một lượng nhân phóng xạ nhất định. Có loại đá chứa nhiều hơn, có loại ít hơn.

Đá granit là 1 trong những loại đá chứa phóng xạ nhiều hơn. Do đó, nếu căn cứ vào bức xạ nền ở mức 0,1 microsivert/ giờ thì việc đứng trên một con đường lát đá sẽ chịu lượng phóng xạ gấp 3 lần mức nền này (0,3 microsivert/ giờ). Tuy nhiên, mức này vẫn là quá nhỏ vì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Một số vùng trên thế giới có mức phóng xạ nền cao hơn nhiều, ví dụ vùng Kerala, bang Madras của Ấn Độ có mức bức xạ nền lên đến xấp xỉ 20 microsivert/ giờ, gấp 200 lần mức thông thường.

Những vật liệu xây dựng ngày nay cũng đã được kiểm tra xem có lẫn hàm lượng radon hay không. Các vật liệu xây dựng thông thường như gỗ, gạch nung… sẽ an toàn tuyệt đối, còn thậm chí xi măng cũng có chút nguy cơ vì chúng được nung từ đá nghiền vụn. Những thông tin lan truyền rằng xây nhà bằng gạch rồi nhiễm ung thư do phóng xạ, nếu có xảy ra thật thì do bản thân khu vực xây nhà đó đã có phông bức xạ tự nhiên cao sẵn rồi.

Ngộ nhận thứ 5: Chụp X-quang rất có hại cho sức khỏe

Tuy không thể nói X-quang hoàn toàn không có hại vì tác động của tia bức xạ truyền qua cơ thể không thể có chuyện không có tác động gì đó. Điều này đúng với cả siêu âm hay chụp cộng hưởng từ MRI. Tuy nhiên, mức độ gây hại của chúng là rất nhỏ, đây là điều đã được khẳng định qua nhiều bài báo nghiên cứu vật lý cũng như y học.

7 điều ngộ nhận về an toàn hạt nhân - 3

Thành phố Nagasaki năm 1970 đã trở lại thành 1 nơi sầm uất, dù mới bị ném bom nguyên tử cách đó 25 năm.

Mặt khác, những kỹ thuật như X-quang cho phép phân tích rất nhanh nhiều yếu tố bệnh lý. Bạn có thể nhìn thấy ngay mình bị gãy bao nhiêu xương, chân cẳng sai khớp ra sao…

Thậm chí, với liều chiếu nhỏ, có trường hợp phóng xạ còn tạo ra hiệu ứng có ích. Tại Nga và nhiều nước Đông Âu có một hình thức trị liệu là tắm radon, chúng có khá nhiều những hiệu ứng tích cực lên cơ thể con người.

Có những tin truyền miệng rằng uống 1 cốc rượu vang đỏ ngay sau khi chụp X-quang sẽ vô hiệu hóa tác động có hại của tia X. Nói chung, về lý thì điều đó cũng không sai.

Khi bức xạ ion hóa như tia X chiếu qua cơ thể, chúng sẽ tạo thành một lượng gốc tự do. Những loại rượu nho, đặc biệt là rượu vang đỏ đều có tính chất chống oxy hóa, bắt giữ các gốc tự do có hại nên nó sẽ có tác dụng trong chừng mực nào đó.

Tuy nhiên tốt nhất là không nên uống quá nhiều rượu. Vả lại trong đời sống cũng có nhiều hiện tượng làm phát sinh gốc tự do trong cơ thể như trong các cơn bão hay tiếp xúc gần những vật tích điện có điện thế cao, hay thậm chí di chuyển bằng máy bay. Khi bay một chuyến bay, tùy thuộc vào độ cao, hướng bay và thời gian, bạn có thể bị chiếu xạ một liều khoảng 4 – 80 microsivert, tương đương 1 lần chụp X-quang răng.

Ngộ nhận thứ 6: Uống iod (i-ốt) sẽ bảo vệ bản thân khỏi phóng xạ một cách hiệu quả

Chúng ta đang nói về tác dụng bảo vệ của iod trong trường hợp có tai nạn hạt nhân xảy ra. Đúng là trong những thời khắc đầu tiên của tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nó đã giải phóng ra 1 lượng lớn iod phóng xạ. Cơ thể chúng ta hay tích tụ iod ở tuyến giáp, nếu tuyến giáp chưa bão hòa iod, nó sẽ khiến cơ thể hấp thụ iod phóng xạ từ môi trường. Do vậy, khi đó đã có khuyến cáo người dân hãy sử dụng iod không phóng xạ để “lấp đầy” tuyến giáp, ngăn iod phóng xạ xâm nhập. Cơ chế tương tự cũng được sử dụng để ngăn cản các nhân phóng xạ khác như cesium và stronti. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc trên chỉ được sử dụng trong các trường hợp tai nạn phóng xạ nhất định, chúng không phải “thuốc vạn năng” hay có thể uống trước để phòng ngừa, vì chúng hoàn toàn  vô dụng với các dạng chiếu xạ khác.

Ngộ nhận thứ 7: Nếu có chiến tranh hạt nhân, con người sẽ chui xuống đất sống, thiên nhiên sẽ bị hủy diệt

Hãy cùng xem xét một ví dụ thực tế: Quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki có sức nổ 21 kiloton. Chỉ chưa đầy 30 năm sau, thành phố đã phát triển bình thường trở lại và sầm uất cho đến ngày nay.

Khi vụ nổ hạt nhân diễn ra, nó gây nhiều yếu tố sát thương khác nhau như: Sóng điện từ hủy diệt hệ thống thông tin liên lạc, những luồng gamma và neutron cực mạnh, sóng xung kích và một lượng ô nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, lượng ô nhiễm phóng xạ này khá nhỏ.

Có thể nói, nếu so về lượng vật chất phóng xạ, một tai nạn nhà máy điện hạt nhân còn có khả năng gây ra ô nhiễm phóng xạ lớn hơn một quả bom nguyên tử.

Không sai khi nói khi có chiến tranh hạt nhân xảy ra, bụi bay lên khí quyền sẽ làm giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất và làm giảm nhiệt độ, gây ra hiện tượng gọi là “Mùa đông hạt nhân”. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chỉ xảy ra cục bộ và trong thời gian ngắn.

Trên lãnh thổ Nga người ta đã tiến hành hàng trăm vụ nổ hạt nhân với mục đích kinh tế, như mở rộng khu vực khai thác dầu. Tuy nhiên, chưa bao giờ nghe đến việc những vụ nổ này lại gây ra tác động ô nhiễm rộng lớn hay lâu dài.

Tông Hùng
Bình luận
vtcnews.vn