1. Tránh trả lời con với cùng một tông giọng
Đây chính là điểm khác biệt để cha mẹ có thể giữ bình tĩnh bất cứ khi nào con trẻ cãi lại: Điều chỉnh lại giọng nói và thái độ với con. Bạn hãy cố gắng trở thành tấm gương của việc tôn trọng người khác. Gào thét hay sử dụng những từ ngữ nặng nề không giải quyết được vấn đề.
Khi con bắt đầu cãi, hãy tìm cách để khiến chúng dừng lại, giữ thái độ đúng mực bằng những câu nói như: "Tốt thôi", "Được rồi". Nói với con bạn rằng, cần phải dừng phản ứng theo cách đó và cho chúng cơ hội để thay đổi. Nếu con đang đứng, bạn có thể quỳ xuống, để tầm mắt ngang với tầm mắt của con để đối thoại.
2. Cố gắng hiểu vấn đề của con
Đừng bao giờ quên rằng, con trẻ vẫn đang trong quá trình học hỏi để điều khiển hành vi của mình. Đôi khi chúng không biết cách đương đầu với các vấn đề, và vì vậy chúng thường tỏ ra mất kiên nhẫn. Sau khi đã giữ được giới hạn khi con bày tỏ sự tức giận, thất vọng hay sợ hãi qua giọng nói, cha mẹ nên tìm hiểu xem gốc gác vấn đề của con là gì.
Hãy chắc chắn bạn dành ít nhất 15 phút ngồi một mình với con mỗi ngày, cho chúng thấy sự tập trung, quan tâm một cách tích cực từ phía bạn. Cố gắng hiểu những thứ con đang cần, hy vọng và ước mơ của con. Có thể con bạn thích nghiên cứu về vũ trụ và bạn chưa bao giờ đưa chúng đến đài thiên văn thì sao?
3. Cho con thấy bạn biết chúng đang buồn bã
Các nhà tâm lý học gợi ý bố mẹ sử dụng các câu như: "Ôi, những lời nói ấy như muốn làm đau ai đó vậy. Con chắc hẳn phải buồn bã, khó chịu lắm khi nói với mẹ/bố như vậy!". Hoặc "Bố/mẹ muốn nghe thêm về điều này, nhưng bố/mẹ không thể nghe khi có cảm giác bị tấn công thế này!".
Nếu con vẫn la hét với bạn, hãy đề nghị bàn luận về vấn đề ấy khi tất cả đều giữ được bình tĩnh.
4. Cho con thấy hậu quả và bày tỏ mong đợi sự tôn trọng
Trẻ con thường rất nhạy bén với thái độ của người lớn. Chúng có thể vin vào đó để lấy lý do làm khó bạn. Mỗi từ ngữ không hay hoặc ánh mắt của chúng, bạn đều không nên bỏ qua. Cần cho con biết rằng, với thái độ không đúng mực, con sẽ nhận hậu quả ra sao (như cắt thời gian xem tivi, chơi máy tính...)
Chính những hình phạt này sẽ giúp con nghĩ lại về hành động của mình. Bố mẹ cũng nên đảm bảo giữ lời hứa nếu con ngưng cãi và chỉnh đốn lại hành vi của mình.
5. Hãy để con bạn bày tỏ ý kiến
Hãy nhớ rằng, thật tốt nếu trẻ em bày tỏ ý kiến về một điều gì đó. Nhưng chúng nên làm điều đó một cách thân thiện. Ngoài ra, chúng cũng nên nhận ra nơi an toàn để có thể chia sẻ. Tốt hơn hết, bố mẹ không nên ngăn cấm, cắt mạch suy nghĩ khi chúng đang cố gắng bày tỏ quan điểm.
Hãy lắng nghe và chú ý đến vấn đề của con, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu, như vậy con cái sẽ không coi bạn là kẻ thù.
6. Tìm nguyên nhân nếu con liên tục cãi lại
Nếu bạn nhận thấy việc cãi lại cha mẹ của con lặp đi lặp lại, hãy nghiêm túc xem xét nguyên nhân vì sao. Biết đâu con bạn đi học về mỗi ngày trong tâm trạng tồi tệ? Đây có thể là chìa khóa để giải quyết một vấn đề lớn và tránh hậu quả tồi tệ hơn trong tương lai.
7. Khen ngợi hành vi tốt
Ai cũng thích được đánh giá cao và con bạn cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Nếu con thay đổi hành vi, tôn trọng bố mẹ và ngừng cãi lại, khi mối quan hệ giữa hai người đã bình thường, bạn cũng nên ngừng căng thẳng bằng cách ôm chúng, khen ngợi, thậm chí là cảm ơn con.
Bên cạnh đó, bạn cần chắc chắn rằng trẻ nhận ra được vấn đề để không tái diễn và làm mình làm mẩy đòi hỏi bất cứ thứ gì chúng muốn trong tương lai.
Bình luận