Giải thích quyết định học đại học, ông Thắng cho biết hiện tại con cái đều đã trưởng thành nên ông muốn đi học để tích lũy thêm nhiều kiến thức.
Ngoài ra, với công việc của một tư vấn viên bảo hiểm, ông luôn nghĩ mình phải học nhiều hơn để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Kinh tế gia đình đã tạm ổn nên ông càng quyết tâm hơn.
Ông Đỗ Lê Thắng (TP Yên Bái), 63 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ nhất (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) |
Sống không nhiều tham vọng, ông luôn tự nhủ mình đừng lười biếng, lấy công việc làm niềm vui, tạo cho cơ thể được vận động, không trì trệ. Với ông, công việc chính là "chất men say trong cuộc sống".
Trước kia, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thời chiến tranh, bao cấp nên mặc dù rất muốn đi học đại học để có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân nhưng không thể thực hiện được. Còn bây giờ, mọi khó khăn đã qua đi. Ông muốn làm được điều mình mơ ước mà thời trẻ chưa làm được và coi đó như là niềm vui tuổi xế chiều.
Hiểu được niềm khát khao được lên giảng đường của ông, một người bạn thân đã ủng hộ và khuyên ông đi học để thực hiện tâm nguyện cá nhân, đồng thời làm gương sáng cho con cháu vươn lên.
Ông lão ngoài 60 tuổi vượt quãng đường hơn 180km từ Yên Bái xuống Hà Nội để học. |
Quả nhiên sau những lần xuống Hà Nội, khi về ông thường kể lại những tiết học thú vị. Có lẽ vì vậy dần dần quyết định của ông đã nhận được sự ủng hộ của con cháu.
|
“Già không thể như trẻ được. Tai, mắt xuống cấp, chân tay không được nhanh nhẹn như thời trẻ nhưng tôi cảm thấy vui vì học được nhiều điều ở các bạn trẻ”, ông Thắng chia sẻ.
Khi được hỏi, ông có ngại khi lớp học toàn thanh niên, nhiều người chỉ đáng tuổi con cháu mình, ông Thắng cười lớn bảo mọi việc rồi cũng sẽ quen.
“Các cháu đều ngoan và lễ phép. Già cũng nên học hỏi lớp trẻ để tiến bộ. Mình nhiều tuổi nhưng không phải là cái gì cũng biết. Phải nhờ các cháu bổ túc thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ cao”, ông Thắng tâm sự.
Ở độ tuổi không còn sung mãn như thanh niên, phương châm học tập của ông là “chậm thì phải chăm, cần cù bù thông minh”.
Những lúc rảnh rỗi, ông Thắng lại dành thời gian chăm sóc con cháu |
Trong mỗi học kỳ, ông Thắng thường phải di chuyển quãng đường ô tô dài 180km từ Yên Bái xuống Hà Nội để theo học tập trung và dành thời gian thi cuối kỳ. Dù phải trải qua quãng đường xa xôi, nhưng ông bày tỏ quyết tâm duy trì suốt 4 năm học.
Quyết tâm ấy được ông khẳng định chắc nịch: “Một khi xác định mục tiêu phải đặt quyết tâm đến cùng. Tôi không ngại đi học mà chỉ lo sức khoẻ tuổi già gây cản trở. Cho nên tôi luôn biết tự chăm lo sức khoẻ cho mình để theo học trọn vẹn chương trình đào tạo”.
Nói đến chuyện học, ông Thắng bày tỏ sự xót xa khi còn biết bao trẻ em phải chịu thiệt thòi vì bố mẹ không lo được cho con, khiến con bị thất học. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ có điều kiện ăn học lại đang đánh mất mình vào các cuộc chơi vô bổ.
Phạm Thịnh
Bình luận