• Zalo

6 sự kiện từng đẩy nước Nga tới bên 'miệng hố chiến tranh'

Thế giớiThứ Bảy, 13/10/2018 20:24:00 +07:00Google News

Kinh nghiệm ngoại giao và sự chuyên nghiệp về quân sự đã cứu nước Nga (và đôi khi là cả thế giới) không chỉ một lần thoát khỏi những hậu quả thảm khốc.

Lịch sử nước Nga được nhiều người biết đến với một số cuộc xung đột quốc tế mà dường như không có giải pháp nào khác ngoài chiến tranh. Tuy nhiên, kinh nghiệm ngoại giao và sự chuyên nghiệp về quân sự đã cứu nước Nga (và đôi khi là cả thế giới) khỏi những hậu quả thảm khốc.

1. Đại sứ quán Nga trong cuộc thảm sát Tehran (1829)

dsq_nga_fkha 7

Hình ảnh mô phỏng cuộc tấn công vào Đại sứ quán Nga ở Tehran năm 1829. (Ảnh: Kinopoisk) 

Khi một đám đông Ba Tư bất bình sát hại các nhà ngoại giao Nga ở Tehran, mọi người đều chắc chắn rằng, cuộc chiến tranh giữa đế chế Nga và Ba Tư là không thể tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, đế chế Nga khi đó đã đang chiến tranh với người Ottoman và không thể chiến đấu với 2 kẻ thù cùng một lúc.

Dư luận Ba tư vốn nổi giận với Hiệp ước Turkmenchay 1828, kết thúc cuộc chiến Nga-Ba Tư (1826-1828) và kéo Ba Tư vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài. Nước này đã nhượng lại cho Nga các vùng lãnh thổ lớn và phải bồi thường thiệt hại chiến tranh không hề nhỏ.

Cuối cùng sự bất mãn của người dân lên đến cao trào vào ngày 11/2/1829, một đám đông bất bình đã tấn công Đại sứ quán Nga tại Tehran. Kết quả là hơn 30 người của Đại sứ quán đã bị sát hại. Trong số các nạn nhân còn có cả nhà thơ nổi tiếng người Nga Alexander Griboedov.

Tuy nhiên, chiến tranh đã không xảy ra, bởi cả 2 nước đều hoàn toàn không sẵn sàng cho điều đó. Ba Tư đã cử phái viên mang quà tới gặp Sa hoàng để xin lỗi và Sa hoàng Nikolas I chấp nhận điều đó.

2. Sự kiện Panjdeh (1885)

su_kien_panjdeh_csfg 6

Bức vẽ mô phỏng sự kiện Panjdeh. (Ảnh: Wikipedia) 

Cuộc chơi lớn giữa đế chế Nga và đế chế Anh nhằm giành ảnh hưởng địa chính trị ở Trung Á diễn ra mà không có cuộc đụng độ lớn nào giữa 2 siêu cường. Tuy nhiên, sự kiện Panjdeh đã đặt cả 2 ở bên bờ vực chiến tranh.

Năm 1885, quân đội Nga tiến vào khu vực Panjdeh của Afghanistan - khi đó là thuộc địa của Anh. Anh khi đó rất lo ngại về sự tiến quân của Nga vào khu vực lợi ích của mình và đã “thúc” chính quyền Afghanistan “đá” Nga khỏi khu vực. Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng ấn tượng thuộc về Nga. Anh khi đó đã sẵn sàng tiến hành chiến tranh trực tiếp, nhưng lại bị các nhà ngoại giao Nga thuyết phục rằng, Nga sẽ không tiến sâu hơn vào khu vực này.

3. Sự kiện Dogger Bank (1905)

dogger_bank_hnbg 5

Bức ảnh tư liệu tàu chiến của Nga. 

Cuộc chiến định mệnh của Nga chống Nhật có thể tồi tệ hơn, do Anh đã sẵn sàng tham gia cùng phe với Nhật Bản. Đó là bởi khi đội tàu chiến Hải quân Nga rời biển Baltic và tiến về vùng Viễn Đông, thì họ gần như đã bắt đầu một cuộc chiến với Anh.

Không xa bờ biển English, các tàu chiến Nga đã khai hỏa vào các tàu cá địa phương, vì tưởng rằng đó là tàu của Nhật Bản trong đêm sương mù dày đặc. Kết quả là một vài ngư dân thiệt mạng và 1 tàu đánh cá bị chìm.

Nước Anh phẫn nộ khi đó đã gọi Nga là “một hạm đội điên cuồng” và bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh. May mắn thay, việc bồi thường của Nga cho các ngư dân sau đó đã giải quyết mọi việc một cách êm thấm.

4. Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962)

khung_hoang_ten_lua_fdky 3

Tàu và máy bay Nga. (Ảnh: Getty) 

Cuộc khủng hoảng này đã suýt kéo 2 siêu cường vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, biến cuộc Chiến tranh Lạnh thành nóng. Nó bắt đầu từ năm 1961 khi Mỹ đặt tên lửa đạn đạo Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng vươn tới Nga, những quả tên lửa này bị Liên Xô coi là mối đe dọa lớn.

Liên Xô đã phản ứng theo cách tương tự, đặt hơn 50.000 binh sỹ và vũ khí hạt nhân ở Cuba, một đồng minh mới. Quốc đảo Caribe này ngay lập tức bị Hải quân Mỹ phong tỏa.

Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nikita Khrushchev và John Kennedy tháng 10/1962 mới ngăn chặn được cuộc xung đột hạt nhân. Kết quả là, Liên Xô chuyển hết tên lửa hạt nhân khỏi Cuba, đổi lại Mỹ dỡ bỏ phong tỏa Cuba và rút tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Xung đột biên giới Trung Quốc – Liên Xô (1969)

bien_gioi_trung_xo_uxej

 Xung đột biên giới Xô-Trung. (Ảnh: Sputnik)

Cuộc xung đột biên giới ở vùng đảo nhỏ Damansky (Trung Quốc gọi là Trân Bảo - Zhenbao) ở trên sông Ussuri có thể đã dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa 2 nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới thời điểm đó. May mắn thay, cuộc xung đột biên giới này không biến thành một cuộc chiến quy mô lớn.

Trong suốt 2 tuần của tháng 3/1969, lực lượng bảo vệ biên giới và các đơn vị quân đội Liên Xô đã có các cuộc xung đột với lực lượng của Quân đội Giải phóng Nhân dân (Trung Quốc). Nga ghi được 1 điểm khi các hệ thống phóng rocket đa nòng BM-21 Grad đã quét được vài trung đội của Trung Quốc.

Phía Liên Xô thiệt hại 58 người. Thiệt hại phía Trung Quốc được giữ kín, nhưng được ước tính là hơn 600 binh sỹ. Trung Quốc không muốn tiếp tục cuộc xung đột. Damansky/Trân Bảo là vùng đất “vô chủ” cho tới năm 1991, hai bên đạt được thỏa thuận hòn đảo này thuộc về Trung Quốc.

6. Cảnh báo hạt nhân nhầm của Liên Xô (1983)

chien_tranh_hat_nhan_zpzt

Trung tá Stanislav Pstrov. (Ảnh: Legion Media) 

Ngày 26/9/1983, số phận của cả thế giới gần như được giao trọn trong tay của một người. Hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân Liên Xô ở căn cứ bí mật Serpukhov-15 gần Mátxcơva đã thông báo về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ.

Một cuộc tấn công hạt nhân đáp trả của Liên Xô, và sự bắt đầu chiến tranh thế giới thứ 3, phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của một người, Trung tá Stanislav Pstrov, người phụ trách ở căn cứ Serpukhov-15. Ông chỉ có vài phút để phân tích tất cả những thông tin có sẵn để đưa ra quyết định đúng.

Cuối cùng, ông Petrov thông báo với Mátxcơva rằng đó là một cảnh báo nhầm và thế giới tránh được một thảm họa chiến tranh cận kề.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn