• Zalo

6 khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo dụcThứ Sáu, 19/01/2018 07:12:00 +07:00Google News

Dưới đây là những điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội.

Chương trình dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.

Dưới đây là những điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành.

tieuhoc150827

 Ảnh minh họa.

1. Lần đầu tiên định hình “sản phẩm” giáo dục

Điểm hoàn toàn mới trong chương trình đổi mới giáo dục sắp được triển khai là lần đầu tiên, ngành giáo dục đưa ra được mô hình “sản phẩm” tương lai của mình.

Cụ thể, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình giáo dục sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu với 10 năng lực cốt lõi.

Các phẩm chất chủ yếu này gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Các năng lực cốt lõi gồm ba năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn.

Các năng lực chung là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực này sẽ được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển.

Các năng lực chuyên môn gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. Các năng lực chuyên môn này được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định.

Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những biểu hiện cụ thể của học sinh cần đạt được ở từng cấp học.

2. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học

Các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi là căn cứ để xây dựng chương trình môn học và hoạt động giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.

Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục không hàn lâm như hiện tại mà là những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, cần có để xây dựng phẩm chất, năng lực đã đề ra.

Phương pháp giáo dục sẽ không còn lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép như truyền thống. Theo chương trình mới, giáo viên chỉ là người khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tự khám phá ra ý nghĩa bài học. Giáo viên phải tổ chức, động viên học sinh hoạt động, trao đổi nhóm, nói lên ý nghĩ của mình.

Giáo dục cũng không cào bằng như hiện nay mà hướng tới cá nhân hóa theo năng lực của từng học sinh. Nội dung dạy học được tích hợp ở các bậc học thấp và phân hóa dần ở các bậc học cao hơn.

Chương trình giáo dục chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.

Các phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thày đổi phù hợp với mục tiêu và phương pháp giáo dục để hỗ trợ giáo dục đạt mục tiêu đề ra.

3. Sẽ có nhiều sách giáo khoa

Chương trình giáo dục hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa chính thống trên toàn quốc từ lớp một đến lớp 12, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền phát hành.

ttxnv_truongbevandan

 Chương trình mới hướng đến hình thành năng lực và phẩm chất cho người học. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thì các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia viết sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh, phụ huynh, giáo viên quyết định. Các trường cũng ko phải chọn trọn một bộ mà họ có thể chọn nhiều sách từ các bộ khác nhau.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị thông tư quy định quy chuẩn tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách, tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn soạn thảo một bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo chắc chắc việc có sách cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bộ sách này không có tính pháp định bắt buộc sử dụng.

4. Giáo dục cơ bản 9 năm

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở lớp 9, gồm 5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở.

Giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh sẽ phải học bắt buộc 11 nội dung giáo dục, gồm 10 môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học bắt buộc ở bậc tiểu học gồm Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Các môn học bắt buộc ở bậc trung học cơ sở gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Giai đoạn giáo dục cơ bản có hai môn tự chọn là Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc thiểu số.

5. Ba năm giáo dục định hướng nghề nghiệp

Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển ba năm trung học cơ sở thành giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nhiều đổi mới so với chương trình hiện tại.

Theo đó, ở bậc học này chỉ còn 5 môn học bắt buộc thay vì bắt buộc học tất cả 13 môn như hiện nay.

Các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học được lựa chọn chia thành ba nhóm. Nhóm khoa học xã hội gồm môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm khoa học tự nhiên gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.

Học sinh chọn 5 môn trong số các môn được lựa chọn, mỗi nhóm ít nhất một môn.

Ngoài ra, bậc học này còn một số nội dung bắt buộc khác như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, chuyên đề học tập bắt buộc (ba chuyên đề), chương trình giáo dục địa phương.

6. Xuất hiện thêm môn học mới: Hoạt động trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là nội dung hoàn toàn mới lạ trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được triển khai.

Nội dung cơ bản của chương tình này xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân, giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp.

Nội dung này được triển khai qua bốn nhóm hoạt động chính: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hương nghiệp.

Học sinh dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên.

Hoạt động này giúp thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù như năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác.

(Nguồn: Vietnam+)
Bình luận
vtcnews.vn