• Zalo

58 bài thi bị điểm 0 ở Tây Ninh: Bộ GD&ĐT đang xác định nguyên nhân

Giáo dụcThứ Năm, 01/08/2019 12:37:00 +07:00Google News

Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra nhật ký chấm để xác định nguyên nhân 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh và cho kết luận cuối cùng.

Ngày 1/8, ông Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, phần mềm chấm trắc nghiệm không bị lỗi, vì nếu bị, lỗi sẽ xuất hiện ở bài thi của 63 tỉnh thành.

Ông Sái Công Hồng cho biết, thông tin cho rằng 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh do lỗi của thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án khiến máy không thể nhận diện được mới là nguyên nhân ban đầu theo báo cáo của đơn vị chấm trắc nghiệm, chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ GD&ĐT.

Theo quy chế, việc tổ chức phúc khảo bài thi sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 2/8. Chậm nhất ngày 4/8, các sở GD&ĐT hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

thi sinh

 (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ GD&ĐT phát hiện sự bất thường trong điểm thi của Tây Ninh ngay sau khi công bố kết quả THPT quốc gia. Bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT Tây Ninh gặp gỡ động viên thí sinh, đưa các bài thi vào dạng phúc khảo đúng quy chế. 

Theo nhiều cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm, nguyên nhân thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án là không hợp lý, bởi nếu sai thì máy đã báo lỗi.

Trả lời Tienphong, PGS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa, cho biết, phần mềm chấm thi năm nay báo hai lỗi cơ bản của thí sinh khi làm bài trắc nghiệm, bắt buộc người chấm phải sửa. Đó là thí sinh tô sai số báo danh (tô số báo danh không tồn tại hoặc tô nhầm số báo danh của người khác).

Mỗi thí sinh của mỗi địa phương chỉ có duy nhất một số báo danh định dạng. Do đó, khi tô nhầm sẽ sang số báo danh của người khác, đơn vị chấm thi sẽ tra theo đúng tên, ngày tháng năm sinh của thí sinh để trả lại số báo danh cho thí sinh. 

Tiếp theo là tô sai mã đề. Phần mềm năm nay khác với năm trước là quét bài làm theo từng phòng thi, vì vậy, mới soát được việc thí sinh tô trùng mã đề. Những năm trước, quét theo điểm thi nên phần mềm không có chức năng này. Khi trùng mã đề, đơn vị chấm thi căn cứ vào sơ đồ phòng thi, danh sách nộp bài thi của phòng thi để sửa về đúng mã đề cho thí sinh.

Theo PGS. Trần Văn Tớp, hai lỗi này là hai lỗi bắt buộc phải sửa cho thí sinh. Nếu không sửa, phần mềm sẽ không chạy. Ngoài ra, PGS. Trần Văn Tớp cho hay có những lỗi thông thường khác mà thí sinh mắc phải, được phần mềm chấm thi cảnh báo như tô mờ quá phần mềm không nhận diện được.

TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội cũng đưa ra những thông tin tương tự. Đồng thời, ông khẳng định không thể xảy ra tình huống tô nhầm số báo danh của thí sinh vắng. Vì khi hệ thống thi nhập danh sách chuyển sang hệ thống chấm đã gạt tất cả thí sinh vắng. 

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn