• Zalo

56 người chết cháy: Chúng tôi có trách nhiệm

Ý kiến Thứ Năm, 14/09/2023 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chúng tôi, người làm báo, xin nhận trách nhiệm trước 56 vong linh vô tội vì chưa lên tiếng quyết liệt cảnh báo nguy cơ cháy nổ ở những nơi gọi là “chung cư mini”.

Cái ngày đại tang 12-13/9/2023 không chỉ cướp đi sinh mệnh của 56 người xấu số mà còn làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của hàng trăm con người, hàng trăm gia đình liên quan đến hỏa hoạn thảm khốc ở chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội).

Chưa từng có trận cháy nào làm chết nhiều người đến vậy. Giữa thời bình mà chừng ấy mạng người ra đi chỉ trong một đêm. Khủng khiếp và đau đớn quá. Nỗi đau thấu trời xanh.

Những tiếng thét kinh hoàng, những cuộc gọi cầu cứu trong vô vọng, và cái chết đến với họ trong tích tắc, trong biển lửa bỏng rát… Bỏng rát nỗi đau và bỏng rát tâm can con người... Chỉ nghĩ đến đó thôi, ai có lương tri sẽ lặng đi, tim thắt lại. Đã có người cúi đầu quỳ xuống, hai tay giơ lên trời trách cứ đấng siêu nhiên sao nỡ để cho thảm kịch kinh hoàng ấy giáng xuống đầu bao gia đình.

Bao nhiêu người vô tội, lành hiền, chất phác; bao nhiêu cháu nhỏ thơ ngây, hồn nhiên - giống như con cháu chúng ta được bao bọc, chở che, yêu thương ngày ngày - bỗng chốc chìm trong lửa khói, chết cháy mà chưa kịp sợ hãi, chưa kịp hiểu chuyện ma quỷ kinh thiên động địa gì đang xảy ra…

Và chắc đa số những con người bạc mệnh, xấu số vô cùng ấy là người thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Các nạn nhân của vụ cháy được đưa ra khỏi hiện trường để đi cấp cứu. (Ảnh: Đắc Huy)

Các nạn nhân của vụ cháy được đưa ra khỏi hiện trường để đi cấp cứu. (Ảnh: Đắc Huy)

Có gia đình 8 người ở 2 căn chung cư, người thân chỉ mới tìm thấy thi thể bé gái 4 tuổi.

Cậu thanh niên 20 tuổi, “cao to, đẹp trai” theo lời người bố, gọi điện cho bố trong tuyệt vọng khi lửa bao vây quanh mình. Ông bố từ Phú Thọ tức tốc về Hà Nội, chỉ nhìn thấy con mình được đưa ra ngoài trong xám đen khói bụi…

Trong không khí tang tóc bao trùm, bà H. (quê huyện Thanh Oai, Hà Nội - mẹ nạn nhân D., 25 tuổi, tử vong sau vụ cháy) gào khóc tím tái tìm con khắp các bệnh viện. "Con ơi là con ơi, 10 giờ đêm qua con điện thoại bảo 'Con vừa học xong mẹ ơi!'. Con học đến bao giờ con ơi… Mẹ đi khắp các bệnh viện tìm mà không thấy con. Đau lòng quá con ơi, con cắt ruột cắt gan bố mẹ rồi con ơi… Từ nay không còn con trên đời này nữa rồi!”…

Sau thảm hoạ, người ta mới yêu cầu tổng rà soát công tác phòng cháy chữa cháy ở các chung cư mini tại Hà Nội, TP.HCM… Đến lúc này người ta mới yêu cầu “điều tra tận gốc khâu cấp phép xây dựng chung cư mini bị cháy”. Các địa phương khác cũng lập tức chỉ đạo. Quá muộn rồi. 56 người vô tội đã chết.

Ai cấp phép xây cái gọi là “chung cư mini”? Ai kiểm soát được khâu an toàn, phòng cháy chữa cháy ở những khu nhà đó? Riêng cái “chung cư mini” tai họa này được cấp phép xây 6 tầng, nhưng chủ nhà xây hẳn 9 tầng.

Chúng tôi đã không lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt đến cùng để góp phần gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho thấy nguy cơ cháy nổ cao đến tột độ ở những nơi gọi là “chung cư mini”.

Bất cứ ai từng xây nhà ở đô thị đều biết rằng, chỉ cần mang vài viên gạch, bao xi măng, bao cát hay chút vật liệu xây dựng để xây, sửa nhà thì lập tức cán bộ phường biết và có mặt. Trong khi đó, cả cái chung cư vi phạm chiều cao đến 3 tầng tồn tại trong nhiều năm mà họ tuyệt nhiên không biết. Sự vô cảm, tắc trách với tính mạng con nguời ở đây là điều không thể chối cãi.

Người viết bài này từng trực tiếp đi tìm thuê nhà, đi đến khắp các toà gọi là “chung cư mini” nằm sâu hun hút trong những con ngõ chật hẹp đến mức 2 xe máy không tránh nhau nổi. Trên các “chung cư mini” điện giăng khắp lối, bếp gas bày khắp hành lang, xe máy lẫn với xe điện la liệt dưới tầng hầm. Cháy nổ, hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lúc đó, cư dân chung cư chạy đâu cho thoát biển lửa?

Chúng tôi, những người làm báo, thấy rõ trách nhiệm của mình trong thảm hoạ chết chóc kinh hoàng chưa từng có này. Chúng tôi đã không lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt đến cùng để góp phần gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho thấy nguy cơ cháy nổ cao đến tột độ ở những nơi gọi là “chung cư mini”.

Giờ đây, người viết bài này không khỏi rùng mình khi nghĩ đến những toà nhà ken đặc của chủ đầu tư được mệnh danh đại gia xây nhà cho người thu nhập thấp ở Hà Nội, với những căn hộ xây bằng cát thiếu xi măng, tường nứt toác, vữa trát loang lổ bong tróc khắp nơi.

Nhiều toà nhà trong số này đã bị phạt nặng, bị cảnh báo vì không đảm bảo an toàn cháy nổ. Nếu hoả hoạn xảy ra ở những toà nhà đó, hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức nào? Liệu thảm hoạ chết người kinh hoàng ở Khương Hạ có khiến cơ quan chức năng sực tỉnh, kiểm soát ngặt nghèo, sửa chữa những què quặt ở các khu chung cư của đại gia này?

… Đám hoang tàn mà trận cháy để lại không chỉ có tòa nhà nhuộm màu đen tang tóc, mà còn là những gia đình không bao giờ còn có thể toàn vẹn, những vết sẹo bỏng không bao giờ mất đi, những tổn thương thân thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn, những trái tim vỡ nát không bao giờ lành, và những cuộc đời không bao giờ trở lại như cũ nữa…

Để có thể vượt qua nỗi đau cùng vô vàn khó khăn để những vết thương thể xác và tâm hồn có thể liền sẹo, họ cần trải qua những đợt điều trị thương tích có thể sẽ kéo dài và những đợt trị liệu tâm lý chắc chắn kéo dài.

Khi vết thương trên cơ thể đã lành, có thể họ sẽ còn phải điều trị phục hồi chức năng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, có thể sẽ mất khả năng lao động và chịu những di chứng trọn đời. Họ sẽ phải tiếp tục vật lộn để đối phó với sự tàn phá của ký ức kinh hoàng: Nỗi sợ không gì diễn tả được khi bị hơi thở của thần chết phả vào mặt; bản thân trước khi ngất đi đã phải chứng kiến người bên cạnh – vợ, chồng, con, người yêu, bạn bè, hàng xóm - chết oan chết ức. 

Thân nhân những người đã khuất cũng sẽ phải vật lộn để thoát khỏi nỗi ám ảnh có thể hủy diệt họ khi nhớ về cuộc gọi cuối cùng của con mình trước lúc ngã xuống vì lửa khói: “Bố ơi cháy rồi, con bị ngạt rồi"; “Bố ơi, cháy chung cư rồi, các cháu chết hết, con cũng chết đây”…, hay về những giờ chạy khắp các bệnh viện tìm người nhà, xếp hàng trước nhà đại thể chờ nhận diện thi thể…

Ngoài ra, những đứa trẻ bị ngọn lửa ác nghiệt biến thành cô nhi cần được cưu mang, thu xếp cuộc sống để có thể bình yên trưởng thành. Những cụ già phải chịu cảnh “lá xanh rụng xuống” cần vượt qua cú sốc để có thể chấp nhận biến cố này, cũng như cần được yên tâm về số phận những đứa cháu mồ côi.

Tất cả những thứ đó đòi hỏi nghị lực lớn lao của bản thân họ và rất nhiều yêu thương, thấu cảm, sự sẻ chia cả về tinh thần lẫn vật chất của cộng đồng. Nói một cách rõ ràng và thực tế hơn, bên cạnh những lời động viên, chúng ta cần hỗ trợ về tài chính để giúp họ cân bằng cuộc sống sớm nhất có thể.

Theo thông tin có được cho đến nay, thành phố Hà Nội sẽ trả toàn bộ kinh phí chữa trị cho người bị nạn, và hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng, 12,4 triệu đồng/người bị thương. Đối với các nạn nhân là trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng/trẻ thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện…

Nhưng như trên đã nói, quá trình hồi phục của các nạn nhân không chỉ có chi phí điều trị thương tích. Vì thế, cần lắm sự chung tay của cả cộng đồng, vì sự giúp đỡ dành cho họ cần được tiếp tục trong một thời gian rất dài sau hỏa hoạn.

Ngọn lửa gây thảm họa ở chung cư mini Khương Hạ đã được dập tắt, nền đất chứng kiến nỗi đau tang tóc này đang nguội đi, nhưng chúng ta đừng để nguội trái tim biết thấu cảm và san sẻ, đừng để tắt ngọn lửa của tinh thần tương thân tương ái.

Hải Hà
Bình luận
vtcnews.vn