Tàu Shinkansen của Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Shinkansen. Tuyến đường khai trương vào năm 1964 nối Tokyo với Osaka. Hệ thống tàu cao tốc Shinkansen do Tập đoàn đường sắt Nhật Bản vận hành, phục vụ trên đảo chính và đảo Kyushu.
Tốc độ tối đa của tàu vào khoảng 320 km/h. Tốc độ khi chạy thử trên đường ray thông thường vào năm 1996 là 443 km/h và đạt kỷ lục 581 km/h năm 2003.Thời gian đầu, tàu shinkansen đi từ Tokyo tới Osaka (khoảng 500 km) trong thời gian 4 tiếng, nhưng nay chỉ mất 2 tiếng 25 phút. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy có khoảng 333 tàu shinkansen hoạt động mỗi ngày giữa Tokyo và Osaka, chuyên chở 391.000 hành khách với tốc độ tối đa 270 km/h.
Theo ước tính ban đầu, chi phí xây dựng tàu shinkansen gần 200 tỷ yen (tương đương 1,8 tỷ USD) năm 1959. Tuy nhiên, con số thực tế bị đội lên gấp đôi với khoảng 400 tỷ yen (tương đương 3,6 tỷ USD). Tính ra, chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này là 780 triệu yen/km (tương đương 7,16 triệu USD/km). Điều đặc biệt là tàu shinkansen thường rất đúng giờ. Thời gian đến muộn so với lịch trung bình chỉ 36 giây.
Tàu InterCityExpress của Đức
InterCityExpress, viết tắt là ICE, là hệ thống tàu cao tốc lưu hành tại Đức và các nước lân cận. ICE là cách nhanh nhất để đi lại trên mạng đường sắt của DB Bahn với tốc độ đạt tới 300km/h. Chuyến tàu ICE đầu tiên được chạy vào năm 1991, hiện tại có 5 loại tàu khác nhau là ICE 1, 2, 3, T và Sprinter.
Phiên bản mới nhất của loại tàu này là ICE3 - sản phẩm của Bombardier (Tập đoàn Hàng không và Giao thông của Canada) và Tập đoàn công nghệ Siemens của Đức - đạt vận tốc tối đa là 320km/h. ICE3 được đưa vào vận hành từ năm 2000.
Tàu đệm từ ở Thượng Hải (Shanghai Maglev), Trung Quốc
Trung Quốc xây dựng đường sắt cao tốc với tốc độ chóng mặt kể từ năm 2007 và hiện là mạng lưới lớn nhất thế giới với 9.356 km đường ray. Trong đó, Shanghai Maglev Train là tàu thương mại nhanh nhất thế giới, với vận tốc tối đa lên tới 430 km/h. Đây là tuyến đường nối sân bay quốc tế Pudong và vùng ngoại ô của Thượng Hải. Để chạy hết quãng đường dài 30,5 km, Maglev chỉ mất 8 phút di chuyển.
Maglev được xem là tương lai của ngành đường sắt thế giới bởi khả năng vận hành ưu việt, tốc độ cao và ít gây tiếng ồn. Maglev vận hành trơn tru và êm hơn so với các tàu sử dụng bánh xe đồng thời không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Tàu cao tốc AVE của Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là quốc gia có mạng lưới đường tàu cao tốc dài nhất ở châu Âu, với 5.524,8 km. Dự kiến, tới năm 2020, Tây Ban Nha sẽ có 10.000 km đường ray cao tốc.
Đoàn tàu có tốc độ nhanh nhất của Tây Ban Nha thuộc dòng AVE, được sản xuất bởi một số hãng như Siemens, Alstom và Bombardier. Bắt đầu khai thác thương mại trong năm 2007, tàu AVE lớp 103 do Siemens xây dựng đã đạt tới tốc độ kỷ lục 404 km/h trong cuộc chạy thử nghiệm từ Madrid đến Zaragoza. Tuy nhiên, tốc độ vận hành thực tế trung bình khoảng 310km/h để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp
Pháp bắt đầu phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc vào năm 1964. Tuy nhiên, phải đến năm 1981, tàu cao tốc TGV của Pháp mới chính thức hoạt động.
Hệ thống Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp từ lâu đã là thương hiệu nổi tiếng nhất trong số các hệ thống đường ray cao tốc vì nó an toàn, nhanh và tiện lợi. Tốc độ tối đa trung bình của TGV là 320 km/h.
Bình luận