Chúng tôi dừng chân ở An Giang. An Giang là một tỉnh miền tây Nam Bộ giáp biên giới Campuchia, tuy mới chỉ được khai phá cách đây 300 năm nhưng có rất nhiều nét văn hóa và ẩm thực độc lạ.
Miền tây chào đón tôi bằng tiết trời nắng dịu nhẹ, không gay gắt như nắng miền bắc. Hành trình của tôi kéo dài 5 ngày. Sau 2 ngày thăm hỏi họ hàng, cuối cùng cũng đến ngày bắt đầu cho chuyến du lịch. Điểm đến đầu tiên là Miếu bà chúa xứ, một địa chỉ tín ngưỡng nổi tiếng với người dân Nam Bộ. Nơi đây đón hàng nghìn lượt du khách thập phương đến mỗi năm. Tham quan núi Sam – Bà chúa Xứ, bạn sẽ cảm thấy thư thái giữa cuộc sống vốn ồn ã bên ngoài.
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc tại chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang nhưng tượng bà chúa Xứ trước đây nằm trên đỉnh núi. Sau này người dân mới cung thỉnh bà xuống chân núi tiện việc nhang khói.
Ngay gần miếu bà chúa Xứ là Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, nơi thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử đi khai phá và trấn giữ An Giang. Đây là công trình có kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở vùng đất này.
Chúng tôi nghỉ ngơi và ăn trưa tại một quán ăn ven đường. Sau giờ nghỉ, điểm đến tiếp là rừng tràm Trà Sư. Đến với khu rừng này, bạn có thể đi thuyền trên đồng nước rộng lớn, hòa mình vào không gian tĩnh lặng mát rượi, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng mái chèo khua mạn thuyền.
Sau khi ra khỏi rừng tràm Trà Sư, chúng tôi lên xe khởi hành về Vĩnh Long, ghé qua chợ Tịnh Biên – một khu chợ nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia.
Ở đây bạn có thể lựa chọn cho mình những món quà lưu niệm để về miền Tây. Nếu có dịp đến đây, nhất định bạn đừng quên uống một ly thốt nốt nhé! Nước thốt nốt rất ngon, bùi, vị ngọt thanh, không phải loại quả nào cũng có.
Chợ nổi Cái Răng là lựa chọn cho chuyến đi ngày thứ 4 của tôi. Nếu vào miền Tây mà không đi chợ nổi thì quả là một điều đáng tiếc, bởi đây chính là nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước.
Chợ cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, mất 30 phút để tôi di chuyển từ bến Ninh Kiều đến chợ. Thời gian lý tưởng nhất để đi chợ là từ 5 đến 8h sáng. Tại đây, bạn có thể mua đủ các loại hoa quả, trái cây là đặc sản của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đặc biệt, nếu bạn là một tín đồ của ăn uống thì chắc hẳn sẽ không thể nào bỏ qua được món hủ tiếu – món ăn đặc trưng của vùng miền này. Đặc biệt hơn nữa, bạn sẽ được tham gia trải nghiệm tại các lò hủ tiếu truyền thống. Tôi đã được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất hủ tiếu truyền thống.
Nhà cổ Bình Thủy là điểm đến cuối cùng của tôi trong chuyến đi lần này. Nhà cổ Bình Thủy được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 và tôn tạo lại vào giai đoạn đầu thế kỉ 20. Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Nét độc đáo của ngôi nhà đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim đến và chọn nơi đây làm bối cảnh phim: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời...
Tạm biệt miền Tây, hẹn nhau năm tới nhé, Miền Tây ơi!
Bình luận