1. Mắm tôm
Mắm tôm là một loại gia vị rất đặc sắc của Việt Nam. Thiếu mắm tôm, hàng loạt món ăn nổi tiếng như bún đậu mắm tôm, giả cầy, bún riêu, bún thang sẽ khó mà trọn vẹn. Có điều mắm tôm thực sự là loại gia vị chấm có mùi "nặng đô" với khứu giác nhiều người, bởi món này được chế biến từ tôm lên men.
Tuy nhiên cũng chính bởi mùi hương khá nặng của nó mà không phải ai cũng dám ăn, thậm chí đây cũng là loại thực phẩm bị nhiều hãng hàng không từ chối vận chuyển.
2. Đậu phụ thối
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Trung Quốc dù vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Người ăn được thì bảo món này ăn rất ngậy và có vị riêng, nhưng rất nhiều người lại không thể nếm nổi chỉ vì mùi vị có phần "hung hãn" của nó.
Được biết đậu phụ thối được chế biến bằng cách để lên men đậu phụ rồi ngâm trong dung dịch rượu, muối. Cách chế biến đậu phụ này hơi mất thời gian nhưng với nhiều người thì đây là món ăn ngon không cưỡng nổi.
3. Hongeo
Ẩm thực Hàn Quốc nhận được khá nhiều lời khen tặng về sự đa dạng và hấp dẫn. Nhưng tất nhiên, quốc gia này vẫn có những món ăn thực sự thử thách như Hongeo.
Hongeo được làm từ thịt cá đuối lên men, sau đó thái mỏng và ăn sống. Được biết Hongeo có mùi amoniac rất nồng, khi cho vào miệng thì cay đến ứa nước mắt. Vì hương vị kinh khủng thế nên món này thường được mang ra để thách đố nhau trong những chương trình thực tế.
Tuy nhiên công bằng mà nói, nếu dám ăn, bạn sẽ thấy trái hẳn với mùi amoniac nồng nặc, phần thịt cá lại được khen là rất ngon. Thậm chí nếu ăn được, món này lại là món ăn gây nghiện.
4. Natto
Ẩm thực Nhật nổi tiếng với những món ăn tinh tế, nhưng bên cạnh đó vẫn có những món ăn lên men rất thử thách như natto. Món này làm từ hạt đậu nành ngâm rồi luộc chín, sau đó ủ lên men. Quá trình chế biến như vậy khiến natto có mùi không hề dễ chịu.
Đây cũng là lý do không phải ai cũng ăn được natto, tuy vậy, trong thực tế natto lại là món ăn rất tốt cho sức khỏe, được nhiều người Nhật yêu thích.
5. Shiokara
Một món lên men khác cũng rất thử thách của Nhật là Shiokara. Món ăn làm từ nội tạng cá sống hoặc mực nang, trộn với muối và mạch nha trước khi cho lên men trong hũ thủy tinh kín. Sau thời gian ủ khoảng 6 tháng, những miếng hải sản có độ sền sệt, hơi nhớt cùng mùi vị tanh nồng đặc trưng thêm mùi chua của lên men tạo thành tổng thể không dễ chịu chút nào.
Shiokara thường được ăn kèm với cơm, và tất nhiên không phải ai cũng ưa thích món này.
Bình luận