Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 3 có 5 nhóm hàng (hạt điều, sắn, tiêu, rau quả, gạo) tăng trưởng 2 con số so với tháng trước đó.
Trong đó, hạt điều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất khi đạt sản lượng 43.944 tấn, trị giá 309,2 triệu USD, tăng 68,4% về sản lượng và 67% về trị giá.
Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 332.727 tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 47,4% về sản lượng và 63,6% về trị giá.
Hạt tiêu đạt 40.297 tấn, trị giá 83 triệu USD, tăng 57,4% về lượng, 45,6% về trị giá.
Rau quả đạt 361,6 triệu USD, tăng 42,5%.
Gạo đạt 591.407 tấn, trị giá 271,5 triệu USD, tăng 11,1% về sản lượng, 14% về trị giá.
Trong khi đó sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 169.981 tấn, trị giá 294,8 triệu USD, giảm -2,2% về sản lượng, nhưng tăng 0,6% về trị giá.
2 nhóm hàng còn lại có tăng trưởng âm là chè và cao su. Trong đó, chè đạt 9.277 tấn, trị giá hơn 13 triệu USD, giảm -1,8% về sản lượng và giảm 2,8% về trị giá.
Cao su có mức giảm mạnh nhất so với tháng 2/2020 khi chỉ đạt 60.562 tấn, trị giá 87 triệu USD, giảm 21,8% về sản lượng, giảm 23,2% về trị giá.
Tính chung trong tháng 3, kim ngạch 8 nhóm hàng nêu trên đạt 1,62 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng 2/2020.
Tuy vậy quý I/2020 ngoài gạo và hạt điều, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính đều giảm so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó giảm mạnh nhất là cao su, chỉ đạt 331 triệu USD, giảm hơn 26%. Thứ 2 là hạt tiêu, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 156 triệu USD, giảm 17,6%. Chè đạt 39 triệu USD, giảm gần 15%. Rau quả xuất khẩu đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%. Cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4%. Sắn đạt 243 triệu USD, giảm 4,7%...
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu gạo và hạt điều tăng cả lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 653 triệu USD, tăng 7,9% (lượng tăng 1,1%); hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng 0,8% (lượng tăng 14,3%).
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 1,15 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Hai thị trường tiếp theo là thị trường EU đạt 684 triệu USD, tăng 5,5% và Hoa Kỳ đạt 402 triệu USD, tăng 7%...
2.600 xe nông sản ùn ứ tại Lạng Sơn
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, hiện có 2.600 xe tồn đọng tại các cửa khẩu, riêng cửa khẩu Tân Thanh là hơn 1.000 xe.
Nguyên nhân do phía Trung Quốc siết chặt biên giới để chống dịch COVID-19, thời gian qua mỗi ngày tại 3 cửa khẩu chính của Lạng Sơn (Tân Thanh, Hữu Nghị và Cốc Nam) có khoảng 600 lượt xe thông quan, giảm 50% so với trước đây.
Bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư tỉnh Lạng Sơn, cho biết do các xe chở hàng phải nằm lại chờ thông quan, số lượng người tập trung tại cửa khẩu này lên đến hàng nghìn người.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 an toàn, vừa giải phóng nhanh hàng hóa và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề xuất với Thủ tướng về việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh.
“Chúng ta đang chủ động và phía bạn cũng rất tích cực để tháo gỡ, như chủ trương tiếp tục thông quan vào thứ bảy, chủ nhật và kéo dài thời gian thông quan hơn. Hi vọng trong một thời gian ngắn có thể giải tỏa được tình trạng hàng hóa tồn đọng hiện nay. Nếu lượng xe từ các tỉnh lên tiếp tục giảm thì sẽ giảm áp lực”, bà Thanh nói.
Bình luận