• Zalo

5 kiểu nói chuyện chỉ có ở những người EQ thấp

Giới trẻThứ Hai, 14/11/2022 12:04:00 +07:00Google News

Những kiểu nói chuyện gây ngán ngẩm này chứng tỏ chủ nhân của nó là người EQ thấp, vì EQ là thứ không thể bị làm giả mà luôn bộc lộ qua giao tiếp.

EQ là viết tắt tiếng anh của Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Theo Ladders, có rất nhiều lời khuyên về việc phát triển trí tuệ cảm xúc, nhưng có một sự thật là EQ không thể bị làm giả.

Chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock cho biết, nguyên tắc cốt lõi để thể hiện EQ cao là đừng nói những điều mình không làm được và những lời không thật lòng. Cách nói chuyện của một người sẽ tiết lộ mức EQ của họ. Những người sử dụng 5 cách nói sau thường có EQ thấp.

Một số câu nói điển hình

Người hay nói những câu như “Tôi không có thời gian cho việc này”, “Tôi không quan tâm!”, “Hãy vào thẳng vấn đề đi!”... thường có EQ thấp.

“Cách nói chuyện như vậy thể hiện sự phiến diện và thiếu đồng cảm. Bạn cho đối phương thấy rằng bạn không nỗ lực để hiểu hoàn cảnh và tình huống của họ. Khi bạn thể hiện dấu hiệu mình không chú ý đến những điều đối phương nói, bạn đang nói với họ rằng bạn không quan tâm đến họ", Tamaryn de Kock nói. Điều này thường được thể hiện ở những người nhanh chóng phủ nhận và ngắt lời người khác.

5 kiểu nói chuyện chỉ có ở những người EQ thấp - 1

(Ảnh minh họa)

Phản hồi kiểu "sandwich"

Phản hồi theo kiểu sandwich có nghĩa là bạn đưa ra phản hồi tiêu cực ở giữa hai ghi nhận tích cực. Tuy nhiên, cách nói này không hiệu quả, thậm chí cho thấy bạn có EQ thấp. Chuyên gia tâm lý de Kock chia sẻ: “Mọi người thường mạnh mẽ hơn bạn nghĩ. Họ không cần được an ủi, vỗ về bằng những lời khen trước khi nhận những phản hồi tiêu cực. Trong trường hợp này, phản hồi tích cực không có tác động gì vì chúng ta có xu hướng tập trung vào phản hồi tiêu cực. Những phản hồi kiểu sandwich thường bị suy yếu do không đưa ra đánh giá một cách rõ ràng, đơn giản và đúng trọng tâm".

Cụm từ mang tính giám sát, kiểm soát

Những người có EQ cao thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao người khác thông qua ngôn ngữ họ sử dụng. Mặt khác, những người có EQ thấp lại nói những điều thể hiện sự kiểm soát hoặc giám sát và bộc lộ sự thiếu tin tưởng của họ.

Theo chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock, bằng cách sử dụng các cụm từ như “Tôi tin tưởng bạn”, “Tôi đánh giá cao bạn” và “Tôi quan tâm đến bạn” có thể giúp nuôi dưỡng tâm lý an toàn và thể hiện trí thông minh cảm xúc của người nói". Tuy nhiên, điều này chỉ có hiệu quả nếu đã có nền tảng của sự tin tưởng.

“Nhưng chỉ nói thôi là không đủ. Những lời nói này phải song hành với hành động để chứng tỏ bạn thực sự tin tưởng hoặc quan tâm đến một người. Những lười nói trống rỗng bất lợi hơn là có lợi”, chuyên gia nói.

Hỏi nhưng không quan tâm câu trả lời

Nói những điều như “Hãy cho tôi biết thêm về…” hoặc “Giúp tôi hiểu rõ hơn” hay “Bạn nghĩ gì?” là một dấu hiệu cho biết ai đó có chỉ số EQ cao và đang cố gắng hiểu cảm xúc và quan điểm của người khác, tránh hiểu lầm và sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống giao tiếp. Nhưng một lần nữa, điều này chỉ đúng nếu người đó quan tâm đến câu trả lời. Nếu họ tỏ vẻ muốn tìm hiểu thêm nhưng lại hướng mắt đi chỗ khác hoặc không tập trung đến câu trả lời mà đối phương nói, thì chứng tỏ đó là người có EQ thấp.

Không xin lỗi

Những câu xin lỗi như “Tôi xin lỗi nhưng…” hoặc “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy” sẽ làm xói mòn lòng tin và hủy hoại một mối quan hệ. Những người có EQ thấp có xu hướng sử dụng những câu như thế này. Mặt khác, xin lỗi một cách chân thành sẽ nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu.

“Thành thật thừa nhận rằng bạn đã phạm sai lầm hoặc có thể đã sai về điều gì đó cho thấy bạn nhận thức được hành vi của chính mình và tác động của chúng đối với người khác. Điều này thể hiện sự khiêm tốn. Hơn nữa, bạn có thể sai nhưng thừa nhận thất bại hoặc điểm yếu của mình sẽ giúp bạn xây dựng lòng tin và sự tin tưởng”, chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock nói

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp