• Zalo

5 kiểu dạy dỗ khiến trẻ dễ hư hỏng, coi trọng thành tích

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 12/01/2021 07:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều phụ huynh đang quá nuông chiều, coi trọng thành tích của con trẻ khiến chúng thiếu kỹ năng sống và chịu nhiều áp lực học tập hơn.

Thạc sĩ Thái Ngọc Nhung, chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, nhiều phụ huynh sống trong thời đại 4.0 nhưng lại có cách dạy con rất lạc hậu. Con trẻ trở thành vật thí nghiệm bất khả kháng cho những phương pháp mà phụ huynh tự nghiên cứu, tự đúc rút, tự chắp vá từ các loại sách vở, tài liệu hỗn tạp.

Chính những điều ấy khiến trẻ con ngày càng áp lực về thành tích, dễ bị trầm cảm và thiếu tình yêu thương đúng nghĩa. Một số trạng thái tâm lý phổ biến mà phụ huynh đang gặp phải hiện nay: 

'Con vàng, con bạc'

Cha mẹ thương con là hiển nhiên. Tuy nhiên không ít phụ huynh đang khiến hành động yêu thương trở nên thái quá khi coi trẻ là "con vàng, con bạc" muốn gì được nấy, mọi đòi hỏi đều được đáp ứng và phục vụ một cách vô điều kiện.

Nhiều gia đình chỉ cần con trẻ hắt hơi sổ mũi, giận dỗi, nằm lăn ra nhà ăn vạ là dỗ dành, xót xa mà không chỉ ra nguyên nhân, phân tích cho đứa trẻ hiểu ra vấn đề. Những ông bố, bà mẹ này thường có tâm lý phục vụ, yêu thương không giới hạn và cũng yêu cầu người khác phải đối xử như thế với con mình. Thậm chí, những phụ huynh này luôn có xu hướng yêu cầu người khác phải xem con mình là số một, là duy nhất.

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy thường ích kỷ, thiếu tình yêu thương, kỹ năng sống kém, tâm lý trở nên ngạo mạn. Chính bố mẹ là người phải gánh chịu những hậu quả này vì lúc nhỏ quá nuông chiều mà quên dạy chúng cách sống, cách đối đãi với gia đình, xã hội.

5 kiểu dạy dỗ khiến trẻ dễ hư hỏng, coi trọng thành tích - 1

Cô giáo dạy học sinh. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Vật chất lớn hơn tình yêu thương

Có nhiều cha mẹ cho rằng thời thơ ấu của mình cực khổ, thiếu thốn nên có con mình phải bù đắp cho con những điều tốt nhất trong khả năng. Mẫu số chung của các bậc làm cha, mẹ đều nghĩ: "Không đáng là bao, kiếm tiền cốt yếu cũng là để con cái có cuộc sống đầy đủ". Điều này không sai nhưng phụ huynh cần suy xét lại cách yêu thương, chúng ta đang nuông chiều và làm hư con trẻ mỗi ngày.

Nguy hiểm hơn là nhiều gia đình thời đại công nghiệp 4.0 quên đi những yếu tố rất cần trong giáo dục nhân cách con cái là tình cảm, sự ấm áp, sự an toàn, các mối quan hệ xã hội, chuyện sinh hoạt giữa các thành viên gia đình hằng ngày...

Phụ huynh càng bận công việc thì lại càng có tư tưởng bù đắp nhiều hơn cho con, đó cũng là cách họ tự an ủi việc "bỏ rơi" con để chạy theo vòng xoáy của cơm, áo, gạo tiền. Nhưng sự bù đắp ấy bằng vật chất nhiều hơn bù đắp tinh thần.

Bù đắp thái quá bằng vật chất sẽ tạo nên những em bé hay đòi hỏi, không có khả năng độc lập trên mọi phương diện, hưởng thụ nhiều hơn chia sẻ, không có tư duy thấu cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình.

'Nhồi vịt để mong hoá thiên nga'

Không khó để bắt gặp những đứa trẻ không biết cất tiếng chào hỏi người lớn như phép xã giao thông thường, hoặc những đứa lớn 12-13 tuổi không biết tự mặc quần áo, đi dày dép. Thậm chí học đến cấp ba chưa biết pha gói mỳ tôm, không biết cắm nồi cơm, không rời nổi vòng tay bố mẹ kể cả khi vào đại học.

Nguyên nhân, phụ huynh quá nuông chiều con cái, ưu tiên cho việc giúp con thông minh, tài giỏi và sao nhãng, xem nhẹ việc dạy phép tắc, lễ nghĩa, kỹ năng sống  cho con.

Việc trẻ ngu ngơ với những phép tắc lễ nghĩa trong giao tiếp, những kỹ năng cơ bản tác động trực tiếp đến cuộc sống của trẻ hàng giờ hàng ngày nhưng phụ huynh lại không mấy sốt ruột. Nhiều người còn cho đó là điều bình thường và dễ dàng tặc lưỡi “lớn lên khắc biết”.

Trong khi đó, việc học chữ, ngoại ngữ, học toán thông minh... thì nhiều gia đình “nhồi” trẻ từ tuổi lên 3, không để muộn một khắc vì sợ lỡ mất "thời cơ vàng". Rõ ràng, việc dạy con của bố mẹ đang theo xu hướng thực dụng mà đôi khi bị cuốn theo theo những thành quả trước mắt mà xem nhẹ những yếu tố phát triển bền vững.

Những cha mẹ này đặc biệt rất siêng nghiên cứu các phương pháp nuôi dạy con thông minh và thí nghiệm ngay chính trên con mình. Khi đứa trẻ phản ứng không tiếp thu họ tỏ ra vô cùng bế tắc, hoang mang và sợ hãi, cảm thấy mọi việc thật nghiêm trọng.

5 kiểu dạy dỗ khiến trẻ dễ hư hỏng, coi trọng thành tích - 2

(Ảnh minh hoạ: H.C)

'Nghiện' khoe con

Ngày nay cha mẹ hầu hết đều chơi Facebook và điểm số của con là công cụ để cha mẹ khoe với bạn bè, khoe với thiên hạ rằng con mình tài giỏi, mong được mọi người tán thưởng, ngưỡng mộ.

Dường như thành tích của con luôn là niềm vui bất tận của các bậc phụ huynh. Khi con không đạt danh hiệu học sinh giỏi, phụ huynh buồn ra mặt. Với họ, điểm số của con trẻ quan trọng hơn học thực chất rất nhiều.

Nhiều người luôn bắt con học ngày, học đêm để kiếm giấy khen mà hãnh diện với bạn bè, họ hàng. Nhiều phụ huynh còn sợ con người ta đều giỏi cả mà con mình thì học dở. Mang tâm lý hơn thua như vậy nên nhiều người thường đổ áp lực lên chính những đứa con của mình.

Nhược điểm thấy rõ nhất ở hành động này là trẻ dễ có tư tưởng trọng điểm số rồi có gắng học vì điểm để vừa lòng bố mẹ. Khi không đạt được thành tích ấy, nhiều trẻ sợ dẫn đến các hành động tiêu cực mà phụ huynh không thể lường trước được.

Lấy con hàng xóm làm thước đo

Một trong những hệ quả của việc "nghiện" khoe con cái lên mạng xã hội là khiến những phụ huynh khác lấy đó làm hình mẫu, tiêu chuẩn, thước đo để đánh giá con mình giỏi hay dở, hơn hay thua từ việc ăn ngủ đến đọc chữ, vui chơi… Phụ huynh mải chạy theo cái tiêu chuẩn "con nhà người ta" mà quên rằng con mình và con hàng xóm có tư chất, năng lực hoàn toàn khác nhau.

Tâm lý so sánh con xuất hiện trong mọi vấn đề, mọi khía cạnh. Chỉ cần con mình điểm số, chiều cao, tính cách, đam mê... không bằng con người khác, hoặc khác biệt với con người khác là họ thấy khó chịu, thua thiệt.

Chính từ tâm lý đó, không ít bậc phụ huynh trút giận, dằn vặt, ép con phải học thêm đủ thứ, cốt mong con đạt được thành tích cao hơn hoặc giống như con hàng xóm mà họ coi đó là thần tượng, là ngưỡng mộ. 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn