Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 1 Áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…
Riêng từ đợt nghỉ lễ từ 29/4 – 3/5/2023, đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về kinh tế ước tính khoảng 35 tỷ đồng. Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng (bằng 0,6 lần thiệt hại về người và 0,057 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù công tác quản lý điều hành, ứng phó với thiên tai đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại khó khăn, hạn chế như:
Một số nhiệm vụ triển khai muộn hơn so với kế hoạch do phải tập trung xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại tổ chức sau khi có quy định chức năng nhiệm vụ.
Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về phân cấp quản lý tài chính dẫn đến một số nhiệm vụ thực hiện bị chậm tiến độ do thay đổi về quy mô tổ chức trong khi các văn bản phân cấp của Bộ cho Cục không còn hiệu lực nhưng các nhiệm vụ vẫn triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai ở một số địa phương còn chậm, không dứt điểm mặc dù đã có quy định của pháp luật.
Trình độ chuyên môn và kiến thức quản lý nhà nước của một bộ phận công chức trẻ còn hạn chế, chưa có thực tiễn; năng lực tham mưu, báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu.
Bình luận