Sáng 27/8 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng các bộ ngành liên quan tổ chức hội nghị “Báo cáo tiến độ triển khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên & Môi trường”.
Theo số liệu mà hội nghị này cung cấp thì hiện còn khoảng 4.000 tấn hải sản còn tồn kho sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tham dự hội nghị cho biết, hiện các doanh nghiệp thu mua hải sản của tỉnh này đang cần giải phóng mặt bằng ngay, nhưng vẫn còn tới 2.000 tấn hải sản tồn kho. Hiện các doanh nghiệp này đang lâm vào cảnh nợ nần vì hàng hóa ùn ứ trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước thì chưa nhận được.
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cần khẩn cấp lấy mẫu kiểm tra đối với gần 4.000 tấn hải sản tồn kho nói trên.
Theo ông Tám, trên cơ sở thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu số hải sản này để kiểm tra, phân loại. Kho hải sản nào an toàn thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ, không an toàn thì sẽ tiêu hủy để không xảy ra tình trạng hải sản nhiễm độc được tuồn ra thị trường.
Trước đó, ngày 24/8 UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án tiêu hủy trên 60 tấn hải sản được các cơ sở đông lạnh thu mua vào thời điểm cá chết hàng loạt và hiện không còn khả năng tiêu thụ.
Trong 60 tấn hải sản này thì có 20 tấn cá nục tại kho đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị nhiễm chất phenol với hàm lượng 0.037mg/kg. Đây là chất cực độc không được phép tồn tại trong thực phẩm. Bà Lê Thị Thuộc, chủ cơ sở Dũng Thuộc cho biết 20 tấn cá nục này bị cơ quan chức năng niêm phong gần 3 tháng, việc chậm trễ xử lý khiến cơ sở của bà phải chi 25 triệu đồng/tháng để bảo quản.
Video: Quảng Bình ước tính thiệt hại 4.000 tỷ đồng sau sự cố cá chết ở biền miền Trung
Bình luận