• Zalo

400 đại biểu bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội

Tin nóngThứ Ba, 19/09/2023 07:17:41 +07:00
(VTC News) -

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các đại biểu sẽ đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 19/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng hơn 400 đại biểu tham dự diễn đàn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. (Ảnh: quochoi.vn).

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. (Ảnh: quochoi.vn).

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận 4 nhóm nội dung.

Thứ nhất, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm (2021-2023); nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào - đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính - tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

Thứ ba, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) và một số nghị quyết liên quan khác, trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm...

Thứ tư là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Đồng thời, các ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Họp báo chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. (Ảnh: quochoi.vn).

Họp báo chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. (Ảnh: quochoi.vn).

Tại họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 17/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, trong nội tại nền kinh tế đang tồn tại một số điểm nghẽn. Một số động lực tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, cả về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước...

 "Việc tháo gỡ điểm nghẽn trước mắt là vô cùng cần thiết, nhưng đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh, cần kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng mới, các kiến giải, kế sách mới, để giúp chúng ta phục hồi và tăng trưởng bền vững", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, các thảo luận không chỉ đặt trong bối cảnh của năm 2023 mà là năm giữa nhiệm kỳ 2021-2025, là năm thứ hai thực hiện Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế.

"Bàn đến các vấn đề cấp bách để tăng cường năng lực nội sinh, giải quyết khó khăn trong đầu tư công, đầu tư tư nhân, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng để nhận diện rào cản, nút thắt trong tăng trưởng, phát triển, để làm rõ các giải pháp dài hạn, như năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP...", ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn