Ngày 17/9, tại họp báo công bố chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ về bức tranh kinh tế các tháng đầu năm 2023 của Việt Nam.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã nhận được dự thảo báo cáo của Chính phủ và đang tiến hành thẩm tra. Về cơ bản, các giải pháp Quốc hội đề ra tại các nghị quyết của kỳ họp thứ 5, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã triển khai quyết liệt để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Bức tranh kinh tế của chúng ta nhìn lại vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận.
"Những tháng đầu năm chúng ta triển khai rất tốt. Các nước lạm phát cao nhưng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của ta chỉ ở mức 3,1% và các cân đối kinh tế lớn như nợ công, nợ nước ngoài vẫn trong kiểm soát theo quyết nghị của Quốc hội. Các định vị tín nhiệm, vị thế quốc tế được cải thiện rất tích cực", ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhắc lại một trong những sự kiện quan trọng thời gian qua là Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, bức tranh kinh tế "có cả gam màu sáng và gam màu xám" khi các động lực tăng trưởng của Việt Nam về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu... có dấu hiệu chậm lại.
Đầu tư công dù đã được thúc đẩy nhưng 8 tháng năm 2023 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, gây áp lực lên các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, "sức khoẻ" doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, sản xuất - kinh doanh khó khăn, đơn hàng giảm, người lao động phải giãn việc, mất việc.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu, bất động sản vẫn còn những bất cập. Theo ông Vũ Hồng Thanh, dù mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp thời gian qua còn khó khăn.
Trả lời câu hỏi của báo chí về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 lựa chọn chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, sau hơn 2 năm chịu tác động của COVID-19, trong nội tại nền kinh tế đang tồn tại những số điểm nghẽn.
Một số động lực tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, cả về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ những nút thắt này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, phải kiến tạo những động lực mới, đồng thời đưa ra các đề xuất để giải quyết triệt để những vấn đề nói trên, từ đó có động lực tăng trưởng mới và phát triển bền vững.
Liên quan đến một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Thanh cho biết chính sách giảm thuế GTGT được triển khai giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023.
Về việc có tiếp tục kéo dài chính sách này hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thời gian qua về cả mặt tích cực và hạn chế.
"Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 về nội dung này, để xem xét có cần thiết kéo dài chính sách giảm thuế GTGT hay không", ông Thanh nói.
Trên quan điểm cá nhân, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường nội địa sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, do đó chính sách giảm thuế GTGT có thể xem xét theo hướng kéo dài để kích cầu nội địa.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 19/9 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp. Diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
4 nhóm nội dung chính của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023
Thứ nhất, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.
Thứ hai, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm (2021-2023); nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào - đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính - tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.
Thứ ba, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) và một số nghị quyết liên quan khác, trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm...
Thứ tư là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Bình luận