Đôi mắt có thể cho chúng ta biết nhiều điều về vấn đề sức khỏe bằng cách gửi "tín hiệu" cảnh báo nhiều bệnh, trong đó bao gồm cả bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh tiểu đường là do lượng glucose (đường) trong máu cao. Mức đường huyết quá cao là do cơ thể không sử dụng insulin một cách hợp lý.
Ở những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy của họ không sản xuất hoặc không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết.
Insulin là một loại hormone thường được sản xuất bởi tuyến tụy và cho phép glucose đi vào các tế bào để cung cấp năng lượng cơ thể.
Với người bệnh tiểu đường loại 1, tuyến tụy của họ không sản xuất hoặc sản xuất ít insulin, trong khi đó, người mắc bệnh tiểu đường loại 2 - các tế bào trong cơ thể trở nên đề kháng với tác dụng của insulin (kháng insulin), vì vậy cần một lượng insulin lớn hơn để giữ mức đường huyết ở mức bình thường.
Dưới đây là 4 dấu hiệu ở mắt cảnh báo nguy cơ bạn đã mắc bệnh tiểu đường và cần đi khám để chữa trị kịp thời.
1. Tầm nhìn mờ
Mắt mờ, tầm nhìn mờ có thể được gây ra bởi lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường - làm cho thủy tinh thể sưng lên và ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách đưa lượng đường trong máu trở lại mức bình thường - thời gian để phục hồi có thể mất đến 3 tháng.
2. Đục thủy tinh thể
Nếu mắc bệnh tiểu đường, người bệnh có thể bị đục thủy tinh thể sớm và bệnh tiến triển nhanh hơn.
Vì vậy, nếu đang ở độ tuổi trẻ và đột nhiên nhận thấy có vấn đề với thị lực như cảm giác có màng sương che phủ trước mắt, nhìn lóa và chói mắt, bạn hãy đi khám càng sớm càng tốt.
3. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp xảy xa khi sự tích tụ của thủy dịch trong mắt không thoát được ra ngoài. Điều này có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu, gây ra thay đổi thị lực.
Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị tăng nhãn áp. Đôi khi, tăng nhãn áp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tình trạng mắt trở nên nghiêm trọng, thậm chí mất thị lực. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện bệnh sớm nếu bạn có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nếu đang bị đau đầu, nhức mỏi mắt, mờ mắt hoặc thường xuyên chảy nước mắt, bạn có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp và bệnh tiểu đường.
Nếu bị bệnh tiểu đường, người bệnh có nhiều khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp tân sinh mạch - xảy ra khi các mạch máu mới phát triển trên mống mắt và chặn dòng chảy của thủy dịch.
4. Bệnh võng mạc tiểu đường
Nếu võng mạc (nơi tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh từ bên ngoài truyền về trung khu phân tích thị giác ở vỏ não) bị tổn thương có thể gây ra bệnh võng mạc tiểu đường.
Bệnh võng mạc tiểu đường liên quan đến lượng đường trong máu cao và nếu không được điều trị sớm có thể gây mù lòa.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hiếm khi phát triển bệnh này trước tuổi dậy thì và ở người lớn thì rất hiếm, trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường loại 1 trong 5 năm.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể gặp các vấn đề về mắt nhưng họ thường không nhận ra rằng đó là những dấu hiệu có liên quan đến võng mạc tiểu đường trước khi được chẩn đoán.
Bình luận