• Zalo

4 chàng trai ĐH Công nghệ làm phần mềm giúp cha mẹ quản lý tiêm chủng

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 24/03/2016 08:28:00 +07:00Google News

4 tác giả trẻ của trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra ý tưởng về số tiêm chủng và sổ khám bệnh điện tử vào trong ngành Y.

(VTC News) – 4 sinh viên trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra ý tưởng về sổ tiêm chủng và sổ khám bệnh điện tử vào trong ngành Y.

Ý tưởng ban đầu của Meeboo - sổ tiêm chủng và khám bệnh điện tử xuất phát từ chính nhu cầu của những người thân trong gia đình của 4 chàng sinh viên ĐH Công nghệ (ĐHQGHN).

Đây là sản phẩm của 4 sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm : Nguyễn Thế Huy, Phùng Nguyên Ngọc, Nguyễn Đức Thịnh và Nguyễn Nam Phong. 

Đặc biệt, cơn sốt Vaxin Pentaxim vừa qua với hình ảnh hàng trăm người chầu chực qua đêm dưới mưa để xếp hàng đăng ký tiêm đã khiến nhóm tác giả nảy ra ý định về sổ tiêm chủng và sổ khám bệnh điện tử.

Chưa kể, nhiều những trường hợp phụ huynh đưa con đến khám thì mới biết loại vacxin đó đã hết.

Sổ tiêm chủng điện tử còn một tiện ích khác đó là nhắc lịch tiêm của trẻ cho bố mẹ. Chuyện nhiều trẻ bị qua lịch tiêm do phụ huynh bận rộn quên mất lịch tiêm của con mình không hiếm. Với 1 số loại vacxin như Rotavirus, 6 trong 1. ung thư cổ tử cung… chỉ tiêm ở độ tuổi giới hạn. Quá tuổi trẻ sẽ không thể uống, tiêm vacxin được nữa.
Ứng dụng Menboo vào ngành Y
 4 nam sinh trường Đại học Công nghệ với ý tưởng độc đáo giúp cho các gia đình trẻ

Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, 4 bạn trẻ đã gắn việc đào tạo và ứng dụng thực tế vào Y học.

Trước đó, 4 chàng trai này đã từng làm ứng dụng trao đổi tài liệu dành cho nội bộ sinh viên trường Đại học Công nghệ và phần mềm Quản lý trường học. 

Tuy nhiên, khi bắt tay làm Meeboo, nhiều khó khăn thử thách đã đặt ra cho nhóm tác giả. Những dữ liệu của các phòng khám, người bệnh, các thông tin về vacxin là thách thức lớn nhất khiến cho Meeboo tới nay vẫn chưa thể đưa ra ứng dụng rộng rãi, dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng.

Các cơ sở dữ liệu này thuộc phạm vi quản lý của các phòng khám, bệnh viện. Do đó các bạn sinh viên chưa có cơ hội để tiếp cận.

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này cũng cần có các thông tin phản hồi từ chính người dùng để các tác giả hoàn thiện sản phẩm một cách phù hợp tiện ích nhất với người dùng.

“Tiếp cận cơ sở dữ liệu và thông tin phản hồi từ người dùng là thách thức, trở lại lớn nhất của chúng em”, Phùng Nguyên Ngọc chia sẻ.

Vì là ý tưởng của một nhóm sinh viên nên các em không có nguồn lực về kinh tế cũng như các cơ hội khác để có thể tiếp cận được các phòng khám, bệnh viện và người dùng như các dự án Starup khác.

Bạn Nguyễn Thế Huy cho biết: “Khi sử dụng Meeboo, người dùng có thể liên tưởng đến Uber, một ứng dụng rất tiện lợi về taxi hiện nay. Và tham vọng cao nhất, xa nhất của chúng em là sẽ biến Meeboo thành 1 Uber của ngành y tế. Để kết nối người bệnh và các bác sĩ, phòng khám, bệnh viện một cách nhanh nhất, đúng người đúng bệnh và đúng thời điểm nhất".

"Người bệnh sẽ là trung tâm, các bác sĩ sẽ phục vụ và người dùng có quyền lựa chọn những bác sĩ phòng khám phù hợp, thuận tiện nhất với mình. Có điều sự khác biệt giữa Meeboo và Uber đó là Meeboo sẽ miễn phí”, Thế Huy chia sẻ thêm.


Nếu phần mềm được ứng dụng rộng rãi và khi mô hình bác sĩ gia đình phát triển, các bác sĩ, phòng khám có thể chủ động đăng ký địa chỉ khám của mình. Khi đó, người dùng sẽ không phải đi đâu, hỏi ai chỉ cần lên Bản đồ y tế của Meeboo để tìm phòng khám, đặt lịch khám.
Giao diện của ứng dụng độc đáo này
Giao diện của ứng dụng độc đáo này 

Giảng viên Trương Anh Hoàng (người trực tiếp gợi ý đề tài này cho nhóm 4 sinh viên) cho biết: “Ban đầu, khi gợi ý cho sinh viên đề tài này, mục tiêu của tôi chỉ là cho các em tiếp cận nhiều hơn tới thực tế thay vì những kiến thức hàn lâm sách vở. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến gia đình bạn bè đồng thời căn cứ vào thực tế xã hội tôi thấy Meeboo có thể đóng góp, mang lại nhiều hữu".

“Tôi hy vọng ứng dụng của các em sẽ được sử dụng rộng rãi để đóng góp cho xã hội”, anh Hoàng nói.

Tin vui đến với nhóm tác giả khi phòng khám Mediatech đã sử dụng Meeboo để phục vụ việc khám chữa bệnh, xét nghiệm của mình.

Công nghệ của Meboo

Dưới góc nhìn về kỹ thuật, ứng dụng Meboo là sự tổng hợp của các công nghệ xử lý phía client (người dùng smartphone) trên hai nền tảng Android và iOS, kết hợp với công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu trên máy chủ (server backend).

Với sự kết hợp này, Meboo đảm bảo dữ liệu của người dùng luôn thông suốt và liền mạch trên các nền tảng thiết bị di động khác nhau, cho phép người dùng sở hữu nhiều thiết bị cùng một lúc hoặc nhiều người trong cùng một gia đình có thể dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe của mình.

Meboo được xây dựng dựa trên những công nghệ mới nhất của hai nền tảng Android và iOS, kết hợp với dữ liệu mạng xã hội do người dùng cung cấp khi đăng nhập, giúp người dùng có thể sử dụng ứng dụng một cách mượt mà và nhanh chóng.

Sử dụng meboo tương đối đơn giản, chỉ cần qua vài thao tác trên màn hình, người sử dụng có thẻ nhanh chóng làm quen với ứng dụng.

Điều này là rất quan trọng, vì không phải ai cũng thành thạo trong việc sử dụng và thao tác đối với các phần mềm trên điện thoại di động.

Sổ khám bệnh điện tử Meeboo đồng thời chính là hồ sơ bệnh án online của người sử dụng. Lịch sử bệnh tật, các bác sĩ đã khám, các loại thuốc đã kê đơn, tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân đều được lưu lại.

Và do đó bác sĩ khám bệnh sau sẽ có cơ sở để phát hiện bệnh, kê đơn thuốc phù hợp nhất mà không gây phản ứng phụ hoặc ảnh hưởng tới bệnh khác của bệnh nhân.

Một tính năng hữu ích và khá nhân văn nữa của Meeboo đó là nhắc lịch uống thuốc và khám bệnh. Hàng này Meeboo sẽ cập nhật và có thông báo nhắc cho người sử dụng uống thuốc, liều lượng, khám bệnh, lịch điều trị của mọi thành viên trong nhà.




Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn