Nhìn những đứa con ăn uống hăng say và ngoan ngoãn không kén chọn là niềm vui với mỗi bậc cha mẹ. Nhưng có phải đứa trẻ nào cũng đều có tình yêu "bất diệt" với đồ ăn hay không?
Làm thế nào để giúp con trẻ sớm hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và tự giác? Mẹ hãy tham khảo 4 bí kíp đơn giản sau đây nhưng vô cùng hiệu quả giúp tạo lập cho con yêu thói quen ăn uống tốt nhé.
Hãy để trẻ làm quen với việc chuẩn bị bữa ăn
Trẻ em thường có khuynh hướng ăn uống tốt hơn nếu như bé biết một chút về nấu ăn hoặc sẽ hứng thú ăn uống với đồ ăn do chính mình chuẩn bị.
Hơn thế, việc tham gia chuẩn bị các bữa ăn có lợi cho sức khỏe còn có thể giúp bé phát triển sự cảm nhận tinh tế về hương vị của các món ăn tươi mới, ngon lành. Chính vì vậy, mẹ nên cho trẻ dần dần làm quen với việc chuẩn bị, nấu nướng cho các bữa ăn mỗi ngày.
Dạy trẻ nấu ăn từ sớm cùng sẽ giúp con thêm hiểu và trân trọng mỗi bữa ăn
Với bé ở lứa tuổi nhỏ, mẹ có thể yêu cầu thiên thần nhỏ phụ mình trong khâu chuẩn bị như nhặt rau, rửa rau hay sắp xếp đồ ăn trên đĩa
Khi trẻ lớn hơn và tự tin hơn, mẹ hãy để trẻ có thể tự nấu ăn ít nhất một lần trong tuần. Nếu cảm thấy không đủ tự tin hướng dẫn, mẹ cũng có thể đăng ký cho bé học một lớp nấu ăn trong các kỳ nghỉ hè
Hãy dạy trẻ về nguồn gốc của các loại thực phẩm
Cho trẻ làm quen với các loại rau củ sẽ giúp con thêm yêu thiên nhiên và mong muốn tìm hiểu thử nghiệm các loại hoa quả
Hướng dẫn trẻ trồng các loại rau củ, rau gia vị… tại nhà là một trong những cách thú vị để có thể phần nào giúp bé biết được thức ăn đến từ đâu và khuyến khích trẻ ăn uống đa dạng hơn.
Thông thường, trẻ sẽ thích ăn một ít bông cải xanh hoặc cà rốt nếu như chính tay các bé trồng và thu hoạch chúng. Nếu như ở nhà không có vườn, mẹ có thể trồng rau vào những chậu cây đặt cạnh cửa sổ.
Đôi lúc cho trẻ được trải nghiệm làm nông dân sẽ giúp con có thêm nhiều kiến thức vô cùng phong phú
Hàng ngày, khi đi siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm, mẹ nên dạy cho trẻ gọi tên và tìm hiểu về các loại lương thực thực phẩm được bày bán. Nếu có thời gian, mẹ cũng nên đưa bé đến những nông trại chăn nuôi để hiểu thêm về nguồn gốc thực phẩm.
Việc nhận biết trực quan sẽ mang đến cảm nhận tuyệt vời hơn cho trẻ. Khi trẻ am hiểu tên và nguồn gốc nguyên liệu, sở thích nấu ăn cùng thói quen ăn uống lành mạnh sẽ tự nhiên hình thành.
Khi đi chợ hay siêu thị, mẹ có thể giới thiệu cho con biết thêm về những loại thực phẩm
Hãy thêm “màu sắc” vào món ăn của trẻ
Những màu sắc khác nhau của các loại thực phẩm đại diện cho những nhóm dưỡng chất mà chúng cung cấp (các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể).
Trẻ đang phát triển cần hấp thụ đa dạng các loại dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện. Một bữa ăn với nhiều loại thực phẩm đa dạng về màu sắc sẽ có tác động đặc biệt tích cực đối với sức khoẻ cơ thể trẻ.
Nhìn những hộp cơm xinh xắn và bắt mắt như thế này ai lại nỡ lòng từ chối phải không nào?
Bên cạnh đó, trẻ chắc chắn sẽ vô cùng hào hứng với tất cả các món ăn nếu như chúng luôn rực rỡ màu sắc và được trang trí ngộ nghĩnh. Mỗi bữa bạn nên chuẩn bị nhiều loại thực phẩm nhất có thể và luôn kết hợp với các loại rau củ có nhiều màu sắc khác nhau bày trong một đĩa như: Cà rốt màu đỏ, củ cải màu trắng, súp lơ xanh và cả vài hạt ngô ngọt màu vàng.
Nếu có thời gian, cầu kì hơn, bạn có thể tạo hình cho các món ăn. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng trẻ sẽ thấy thích những món ăn được mẹ chuẩn bị trước, không chỉ vì chúng lành mạnh hơn bánh kẹo hay những món đồ ăn nhanh khác mà còn vì chúng rất đẹp nữa.
Video: Thói quen ăn uống nào dễ dẫn đến bệnh tiểu đường?
Hãy tạo cơ hội cho trẻ tự do lựa chọn
Hầu hết trẻ em thường rất thích thú khi được tham gia quyết định “hôm nay ăn gì?”. Chia sẻ và cùng trẻ xây dựng những thực đơn ăn uống hấp dẫn và bổ dưỡng trên thực tế là cách dễ nhất để giúp trẻ dần dần quen với chế độ ăn uống lành mạnh.
Được tự do làm theo ý mình trẻ nhỏ sẽ vô cùng thích thú và tự giác thưởng thức bữa ăn
Để làm được điều đó, bạn hãy cho trẻ được toàn quyền lựa chọn trong số các món ăn lành mạnh để chuẩn bị cho bữa ăn kế tiếp. Hãy thường xuyên để trẻ lựa chọn, lên thực đơn và giúp bạn mua sắm thực phẩm.
Ngoài ra, việc tôn trọng nhu cầu ăn uống của con là vô cùng quan trọng. Cũng giống như người lớn, sẽ có những ngày trẻ nhỏ cảm thấy mệt mỏi không muốn ăn uống nhiều.
Việc tôn trọng con và không quên gửi gắm hãy ăn bù khi nào con thấy khoẻ hơn nhé sẽ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và tự khắc nghe theo Hãy để mỗi bữa ăn trở thành niềm vui, sự hứng thú với trẻ nhỏ thay vì là những bữa “cơm chan nước mắt”.
Bình luận