• Zalo

325 học viên trường Múa không bằng tốt nghiệp THCS, THPT: Ai chịu trách nhiệm?

Diễn đànThứ Hai, 05/04/2021 19:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Học viện Múa Việt Nam không minh bạch trong đào tạo nhiều năm khiến hơn 300 học sinh không được nhận bằng tốt nghiệp THCS, THPT dù đã hoàn thành việc học văn hoá.

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc 325 học sinh, phụ huynh Học viện Múa Việt Nam viết đơn kêu cứu vì sau 6,5 năm học văn hoá nhưng vẫn "4 không": Không cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, không bằng cao đẳng liên thông, không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT.

Trách nhiệm của trường

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Bảo (Đại học Sư phạm Hà Nội), bản chất của vụ việc là thiếu minh bạch trong đề án tuyển sinh. Nhà trường mập mờ, không thông báo rõ hệ trung cấp chuyên nghiệp của trường không bao gồm cấp bằng THCS, THPT. Còn phụ huynh, vì không tìm hiểu kỹ và thấy nhà trường vẫn dạy văn hóa vào buổi chiều (sáng học chuyên môn) nên lầm tưởng.

Không phải phụ huynh nào cũng am hiểu các kiến thức về pháp luật, giáo dục đào tạo. Sau gần 7 năm học, trường mới thông báo rằng việc đào tạo văn hóa là “rất đặc thù” và thường “ít ai vào đây để học văn hóa” gây sốc cho nhiều người.

Ban giám hiệu, cụ thể là giám đốc học viện hiểu rất rõ trường không phải cơ sở được quyền cấp bằng THCS và THPT. Đồng thời, trường làm trái quy định mới trong Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2017 (cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đào tạo văn hoá) nhưng vẫn một mình một lối đào tạo theo quy định từ năm 2004 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành.

Trong khi đó, các trường Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ cùng thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng đặc thù đào tạo về nghệ thuật nhưng họ không mắc phải sai sót trên.

Để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy, theo tiến sĩ Bảo, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo nhà trường giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Nói nhẹ là do tắc trách, thiếu hiểu biết, không nghiên cứu rõ các quy định; nói nặng thì đây là sự thiếu minh bạch, gian dối trong tuyển sinh- đào tạo.

325 học viên trường Múa không bằng tốt nghiệp THCS, THPT: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Học viện Múa Việt Nam.

Sau khi 325 học sinh, phụ huynh kiến nghị đến các cơ báo chí, Bộ GD&ĐT cho phép Học viện Múa Việt Nam được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT cho những em đã hoàn thành chương trình theo quy định.

Tuy nhiên, các phụ huynh cho rằng, với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, học sinh mới chỉ được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, còn việc cấp bằng THCS, THPT cho học sinh không được đề cập đến.

Việc được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp đồng nghĩa học sinh chỉ được học lên bậc cao hơn tại trường Múa hoặc một số trường trong khối ngành nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Nếu không có bằng THCS thì các con không thể thi vào lớp 10 để học các trường THPT bình thường khác hoặc học lên cao ở một ngành nghề khác. 

Mặt khác, theo đại diện Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quận Cầy Giấy (Hà Nội), Học viện Múa Việt Nam chưa bao giờ đề xuất về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS, THPT cho học sinh. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hoá của trường cấp cho học sinh trong những năm qua đều không có giá trị về mặt pháp lý, chỉ có hiệu lực trong nội bộ trường.

Sau nhiều lần đối thoại, nhà trường vẫn khăng khăng cho rằng việc tuyển sinh và đào tạo trong thời gian qua là đúng quy định.

Tháo gỡ thế nào?

Đại diện Vụ Đào tạo (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho rằng, vướng mắc về bằng tốt nghiệp THCS, THPT nằm ngoài phạm vi xử lý của Học viện Múa Việt Nam và Bộ.

Lỗi thuộc về nhà trường khi tuyển sinh không truyền thông đầy đủ tới phụ huynh học sinh, khiến họ ngộ nhận. Khi theo học các chương trình đào tạo đặc thù, học sinh chỉ có thể tiếp tục học cao hơn trong lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Còn muốn rẽ sang các ngành khác thì học sinh phải tự bổ túc thêm các kiến thức văn hóa để đủ điều kiện đầu vào các ngành khác đó.

325 học viên trường Múa không bằng tốt nghiệp THCS, THPT: Ai chịu trách nhiệm? - 2

Học bạ của một học sinh Học viện Múa Việt Nam.

Học viện Múa Việt Nam vốn nằm trong nhóm các trường đào tạo ngành đặc thù nghệ thuật - thể thao. Số năm đào tạo của trường không đơn giản chỉ là đào tạo gói gọn trong khung chương trình 1 - 2 năm với trung cấp, 2 - 3 năm với cao đẳng; học sinh xét tuyển vào trường còn rất nhỏ khoảng từ 10 tuổi trở lên, không thể đợi đến khi các em 18 tuổi, có bằng tốt nghiệp THCS hay THPT rồi mới tuyển. Do đó, các em bắt buộc phải học văn hóa song hành cùng với chuyên môn.

Nếu để học sinh tự lo phần học văn hóa ở bên ngoài, trường chỉ dạy chuyên môn thì chất lượng học sinh không thể theo nổi do không sắp xếp được lịch học phù hợp. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang dự thảo quy định đào tạo với nhóm ngành đặc thù nghệ thuật- thể thao.

Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Bộ GD&ĐT bày tỏ, nếu học sinh muốn được cấp bằng THCS, THPT thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Múa Việt Nam cần có đề xuất hướng giải quyết. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào đó để rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà học sinh đã được học thế nào. Muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức quy định mới được đưa vào diện xét cấp bằng. Vì thế, phải rà soát chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với Phòng GD&DT để tổ chức xét.

Với học sinh có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT, cũng phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với học sinh THPT của cả nước để được cấp bằng.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn