Những ngày qua, dư luận xôn xao việc 325 học sinh, phụ huynh Học viện Múa Việt Nam viết đơn kêu cứu vì học 6,5 năm văn hoá nhưng vẫn "4 không": Không cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, không bằng cao đẳng liên thông, không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT.
Bằng tự cấp vô hiệu lực
Trong công văn trả lời Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 1/4, Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những trường hợp đã hoàn thành đầy đủ chương trình theo quyết định số 92 năm 2004.
Bộ GD&ĐT cũng cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT cho những em đã hoàn thành chương trình theo quy định.
Tuy nhiên, đại diện hội phụ huynh học sinh Học viện Múa Việt Nam băn khoăn, với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, học sinh mới chỉ được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, còn việc cấp bằng THCS, THPT cho học sinh không được đề cập đến.
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc học sinh được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp đồng nghĩa các con chỉ được học lên bậc cao hơn tại trường Múa hoặc một số trường trong khối ngành nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Nếu không có bằng THCS thì các con không thể thi vào lớp 10 để học các trường THPT bình thường khác hoặc học lên cao ở một ngành nghề khác.
Đồng thời, phụ huynh cũng bức xúc: "Tại sao trong những năm qua, 325 học sinh vừa học chuyên môn, vừa học văn hoá, các em tham gia đầy đủ các bài thi, kỳ thi chuyển cấp THCS, THPT tại trường, có đầy đủ học bạ, bảng điểm mà lại không cấp bằng THCS, THPT. Thay vào đó, trường chỉ cấp cho các con giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hoá".
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Học viện Múa Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề bằng văn hoá THCS, THPT cho 325 học sinh từ năm 2017 đến nay thế nào, ông Trần Văn Hải, quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam né tránh, không trả lời.
Mặt khác, theo đại diện Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quận Cầy Giấy (Hà Nội), Học viện Múa Việt Nam chưa bao giờ đề xuất về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS, THPT cho học sinh. Do đó, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hoá của trường cấp cho học sinh trong những năm qua đều không có giá trị về mặt pháp lý, chỉ có hiệu lực trong nội bộ trường.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong văn bản đề xuất giải quyết việc cấp bằng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Múa Việt Nam không đề cập đến việc cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT mà chỉ xin cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và hoàn thành các môn văn hoá THPT. Do đó, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý với đề xuất 2 đó.
Nếu học sinh muốn được cấp bằng THCS, THPT thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Múa Việt Nam cần có đề xuất hướng giải quyết. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào đó để rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà học sinh đã được học như thế nào. Muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức quy định mới được đưa vào diện xét cấp bằng. Vì thế, phải rà soát chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với Phòng GD&DT để tổ chức xét được.
Với học sinh có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT, cũng phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với học sinh THPT của cả nước để được cấp bằng.
Trắng tay ra trường
Năm 2020, em N.T.A- sinh viên K4 chuyên ngành diễn viên múa hệ cao đẳng liên thông, sau khi hoàn thành kỳ thi sát hạch trung cấp của Học viện Múa Việt Nam đã đỗ thủ khoa Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, khi N.T.A quay trở lại để lấy bằng trung cấp và hoàn thiện các hồ sơ nhập học thì học viện trả lời chưa thể cấp bằng.
N.T.A và gia đình "ngã ngửa" khi học viện trả lời do không liên kết với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy nên học sinh không có mã định danh, tức học bạ THCS, THPT do học viện cung cấp từ năm 2012 đến nay là vô giá trị.
Đồng thời, từ năm 2012 Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt chương trình đặc thù "hệ liên thông trung cấp và cao đẳng" tích hợp đào tạo cả chuyên môn và kiến thức văn hóa cho trường Múa. Giai đoạn một là trung cấp, giai đoạn hai là cao đẳng.
Thí sinh được tuyển vào từ năm 11, 12 tuổi, được đào tạo một mạch đến năm 18 tuổi và được cấp bằng cao đẳng luôn (do là ngành đặc thì nên khác với quy trình đào tạo thông thường học sinh phải có bằng trung cấp mới được thi vào hệ cao đẳng). Tuy nhiên, khi tuyển sinh hệ đào tạo, học viện "quên" không đăng ký với Bộ GD&ĐT đây là chương trình tích hợp đầu vào trung cấp, đầu ra cao đẳng, mà chỉ đăng ký đào tạo hệ cao đẳng. Do đó Bộ GD&ĐT chỉ cấp phôi bằng cao đẳng cho học viện và không cấp phôi bằng trung cấp.
Không riêng gì N.T.A, đó cũng là câu chuyện chung của 325 học sinh, phụ huynh viết đơn kêu cứu những ngày qua.
Bình luận