Ngày 12/12, khoảng 3.000 học sinh lớp 9 toàn quận Thanh Xuân, Hà Nội làm bài thi học kỳ 1 môn Toán. Kết quả 70% học sinh bị điểm dưới trung bình nên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phải tổ chức thi lại vào ngày 17/12.
Đề thi dài và quá khó
Theo nhận định của một số giáo viên, do đề thi quá khó, vượt ngoài sức làm bài của đại đa số các em học sinh. Thầy giáo Lê Đức Văn, trường THCS Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho rằng, thông thường, một đề thi chuẩn để đánh giá học sinh cần đảm bảo đủ các yếu tố về mức độ phân loại học sinh giữa các câu hỏi trong bài.
Cụ thể, ở mức 1 là nhận biết, nhắc lại; mức 2 hiểu, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân; mức 3 vận dụng giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; mức 4 là vận dụng giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt, hợp lý.
Một đề Toán hay phải đảm bảo mức điểm trung bình của đại đa số các em học sinh là 5, học sinh nào nắm kiến thức tốt và chăm chỉ học sẽ được điểm 8 trở lên.
Tuy nhiên, đề thi học kỳ môn Toán lớp 9 của quận Thanh Xuân không có câu hỏi đánh giá ở mức 1, phần lớn ở mức 3 hoặc 4, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều điểm kém. Không phải vì các em học yếu, vì đề ra quá khó và quá dài, cần có nhiều thời gian hơn cho các em tập dượt với dạng đề thi vào lớp 10 THPT tương tự.
Đồng quan điểm, cô Thanh Huyền, giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) nhận định đề thi khá hay, nhưng quá sức với học sinh bậc trung học cơ sở.
Không nên ra đề có quá nhiều biểu thức chứa căn, tham số, nhiều yêu cầu liên quan đến chứng minh max-min, tỷ số lượng giác… vì chúng mất quá nhiều thời gian để tính toán dễ xa vào tình trạng thiếu giờ.
Theo cô Huyền, cách ra đề, kiểm tra phải nhằm sử dụng kết quả làm tham chiếu cho việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đề thi học kỳ nên nhẹ nhàng để tất cả các em đều đáp ứng được nhưng vẫn phải bám vào mô típ, cấu trúc của các đề tuyển sinh đầu vào THPT.
Dần dần tăng độ khó của đề để tính toán mức độ phân hóa, có hướng ôn tập tốt hơn, giúp các em quen với từng cấp độ khó của đề thi, không nên nóng vội.
Thầy Nguyễn Hưng, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên chia sẻ, đề thi có nhiều câu hỏi, nhưng thời gian ra đề và đối tượng của đề thi không hợp lý.
Với học sinh đang học kỳ I năm lớp 9 chỉ nên ra đề ở mức trung bình, cho các em thời gian làm quen với dạng đề thi THPT dần dần. Thầy Hưng lấy ví dụ về một số câu hỏi chưa hợp lý trong đề như ở câu 1 về giải phương trình nên tính toán đến nghiệm chẵn thay vì nghiệm lẻ rất ít gặp, làm các em mất thời gian tính lại.
Hoặc với câu số 5 đề yêu cầu tìm giá trị lớn nhất. Một câu không khó với học sinh cấp 3, nhưng cực kỳ khó với lớp 9, vì cách tính duy nhất các em được học chỉ là thay thế và tính, ít nhất cũng cần 15- 20 phút để giải câu này.
Cần tính toán lại cách ôn tập
Tuy nhiên, một số giáo viên có ý kiến ngược lại. Thừa nhận đề thi Toán của quận Thanh Xuân khó hơn so với trình độ lớp 9, nhưng theo thầy Phạm Nam, một giáo viên THPT ở Hà Nội, đề thi như vậy cho thấy rõ thực lực việc dạy và học đang ở mức như thế nào.
"Từ đó đưa ra mục tiêu ôn tập tốt hơn, đừng vội thấy đề khó mà kêu than để rồi rất nhiều các em học sinh lên bậc phổ thông rất kém môn Toán vì gốc không chắc”- thầy Nam nói.
Thầy giáo này dẫn chứng, ở câu 1, câu 3 và câu 4 nếu em nào nắm chắc kiến thức cũng dễ dàng đạt ít nhất 6 điểm. Nhưng lại có tới 70% học sinh không đạt quá điểm trên trung bình vì chúng ta quen lối dạy với kết quả bài toán luôn đẹp, tròn trịa. Điều đó dẫn đến học sinh có tư duy suôi dòng, như một kiểu dập khuôn nên gặp bài toán ngược một chút là y rằng lúng túng không làm được.
Cô Nguyễn Liễu, trường THCS Đoan Hùng (Phú Thọ) nhận định đề thi học kỳ của quận Thanh Xuân (Hà Nội) như vậy hơi quá sức của các em, nhưng không phải là không làm được đến mức điểm 5.
Do đề dài nên các em chưa phân bổ tốt thời gian thực hiện nên mới dẫn đến tình trạng trên. Cần thẳng thắn nhìn lại câu chuyện học ôn và tập dượt cho các em khi chỉ còn 5 tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi THPT vào lớp 10 gay go hơn nhiều.
Bình luận