Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1/3 số người lớn cho rằng, họ có vấn đề dị ứng với một số loại thực phẩm nào đó. Con số dị ứng đối với thức ăn ở trẻ em có thể lên đến 8%. Tuy nhiên, vấn đề dị ứng thức ăn hiện nay vẫn chưa được cộng đồng nhận thức một cách đầy đủ. Thực tế đã có trường hợp dị ứng thực phẩm bị tử vong do sốc phản vệ,...
Tại sao thực phẩm lại có thể gây dị ứng? Tất cả các loại thực phẩm nói chung đều có thể gây dị ứng. Nhưng chỉ các loài như tôm, cua, sò, mực là hay gây dị ứng hơn cả. Tuy vậy, dị ứng thực phẩm cũng chỉ xảy ra trên một số ít người “nhạy cảm” với một số loại thực phẩm nhất định.
Nguyên nhân gây dị ứng do thực phẩm có 3 loại: Thứ nhất, do thực phẩm có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng;
Thứ hai, một số protein có trong thực phẩm chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng. Nguyên nhân thứ ba là do một số thực phẩm có chứa nhiều chất histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng.
Như vậy, các protein trong thực phẩm có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng mà lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng thực phẩm. Còn hiện tượng thực phẩm có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải (hiện tượng ngộ độc histamin).
Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là động vật thuộc nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò…), nhộng tằm, nhộng ong, ba ba, cá, lươn, chạch, sữa, trứng, sữa chua, lạc, đỗ…
Đối với dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.
Các mức độ biểu hiện khi bị dị ứng thức ăn
Dị ứng thực phẩm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn. Hàng đầu là các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa.
Tiếp đó là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay; các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê; các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng; các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản, đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp…
Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Việc xác định dị ứng thực phẩm nói chung không khó nếu như vấn đề chẩn đoán được đặt ra.
Chẩn đoán dựa vào tiền sử trẻ em hoặc người lớn có các biểu hiện dị ứng như đã mô tả ở trên sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó.
Một số bài kiểm tra có thể giúp ích cho chẩn đoán như kiểm tra lẩy da nếu như không rõ bệnh nhân bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
Xử trí với tình trạng dị ứng
Xử trí dị ứng thực phẩm bao gồm cho sử dụng các thuốc chống dị ứng như kháng histamin, corticoid (methyprednisolon) đường uống hoặc tiêm truyền đường tĩnh mạch.
Có thể cho thêm vitamin C và các thuốc chống viêm đường uống khác. Khi có sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tiên được chọn là adrenalin, sử dụng đúng theo phác đồ cấp cứu như bất cứ một sốc phản vệ nào khác. Adreanin có thể khí dung, tiêm dưới da, tiêm, truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nói chung, trừ trường hợp dị ứng do ăn phải loại thực phẩm có chứa nhiều histamin, tất cả những người đã được xác định là có dị ứng với thực phẩm nào thì nên tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm đó.
Hết sức chú ý khi đi ăn nhà hàng nên xem kỹ thực đơn, thành phần, nguồn gốc thức ăn để tránh ăn nhầm vào loại thực phẩm bị dị ứng. Nên tránh xa khu vực chế biến thực phẩm vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng.
Thậm chí, dị ứng cũng xảy ra nếu dùng chung bát đĩa… đựng loại thực phẩm dễ bị dị ứng. Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc thực phẩm chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn.
Cuối cùng, nên tránh dị ứng chéo khi ăn thức ăn cùng loại. Ví dụ, một người bị dị ứng cua biển cũng rất nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác như ghẹ, mực, tôm, sò...
Video: TP.HCM: Bé gái 13 tuổi thiệt mạng sau khi tiêm thuốc chữa dị ứng
Bình luận