• Zalo

3 doanh nghiệp Việt xuất khẩu tiêu, điều nghi bị đối tác UAE lừa đảo, quỵt tiền

Thị trườngThứ Ba, 18/07/2023 06:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, đơn vị nhận được kiến nghị của Công ty Tín Mai nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Bạch Khánh Nhựt, Công ty Tín Mai (hội viên Vinacas) ký hợp đồng bán nhân điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC có trụ sở văn phòng tại Al Nahda, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry.

Phía khách hàng đã ứng 15% số tiền hàng, sau đó, Công ty Tín Mai giao hàng. Ngày 24/6, hàng đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả lại container rỗng vào ngày 27/6, nhưng phía Công ty Tín Mai vẫn chưa nhận được khoản thanh toán 85% trị giá tiền còn lại của lô hàng.

Ngân hàng phía bên bán là Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện. 

3 doanh nghiệp Việt xuất khẩu tiêu, điều nghi bị đối tác UAE lừa đảo, quỵt tiền - 1

Văn bản của Vinacas cho thấy, nghi vấn doanh nghiệp Việt bị lừa trong xuất khẩu tiêu và điều đang diễn ra phức tạp.

Qua kiểm tra của phía doanh nghiệp, bộ chứng từ lô hàng đã được Công ty chuyển phát DHL giao cho một nhân viên an ninh của ngân hàng Ajman Bank PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch - nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Còn hãng tàu cho biết, đơn vị đã thực hiện bàn giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.  

Ngoài trường hợp của Công ty Tín Mai, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.

“Giá trị 3 container hàng của 3 doanh nghiệp chỉ khoảng 300.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) nhưng lại là 3 mặt hàng khác nhau. Như vậy, nhiều khả năng có sự cấu kết, thông đồng, nghi lừa đảo của khách hàng (người mua) và ngân hàng phía người mua”, Vinacas nhận định. 

Trả lời VTC News, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, nếu nghi vấn này đúng thì đây sẽ là sự việc hiếm có, xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan, ngoài việc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ, lãnh đạo Vinacas sẽ phối hợp với lãnh đạo Hiệp hội Tiêu và cây gia vị tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ thông tin, từ đó sẽ chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc. 

Ông Bạch Khánh Nhựt cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Do các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn bởi tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng nên khi có đơn hàng là mong muốn bán được hàng, nhất là vào thời điểm thị trường có ít giao dịch.

Vì thế, bài học "xương máu" được rút ra là trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới rất quan trọng nhưng đồng thời doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập, thận trọng. 

“Ở đây, vai trò của Hiệp hội và Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Đồng thời, các doanh nghiệp nên dùng phương thức thanh toán an toàn hơn và nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện dấu hiệu lừa đảo”, ông Nhựt khuyến cáo.

3 doanh nghiệp Việt xuất khẩu tiêu, điều nghi bị đối tác UAE lừa đảo, quỵt tiền - 2

Doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều rủi ro trong xuất khẩu điều. (Ảnh minh họa).

Ông Nhựt cũng cho biết thêm, muốn kinh doanh quốc tế an toàn, trước tiên doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. 

“Làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được”, ông Nhựt cho biết.

Trước đó, hồi tháng 4/2023, một doanh nghiệp thuộc Vinacas đã bị Hải quan Cảng Mostaganem, Algeria bán đấu giá 5 container hạt điều công ty xuất khẩu mà không được thông báo. Tổng giá trị lô hàng khoảng 466.900 USD (gần 11 tỷ đồng). Nguyên nhân, khách hàng của công ty Việt Nam là Công ty Eurl ATS Food (Algeria) không thể làm thủ tục thông quan do công ty này đã bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022.

Tháng 3/2022, 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam cũng mất quyền kiểm soát 36 container hàng, giá trị hơn 7 triệu USD, với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm tại cảng Ý. 

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn