• Zalo

3.001 điểm bán hàng bình ổn giá và 388 điểm bán hàng lưu động tại TP.HCM

Thị trườngThứ Hai, 19/07/2021 12:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sáng 19/7, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện thành phố có 3.001 điểm bán hàng bình ổn giá tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 388 điểm bán hàng lưu động.

Theo đó, 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận huyện, TP Thủ Đức.

Danh sách và địa chỉ cụ thể các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức thêm các điểm bán hàng bình ổn và các cửa hàng lưu động, số điểm bán sẽ còn tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cho biết đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn.

Tính đến ngày 17/7, trên toàn TP đã tổ chức được 388 điểm bán hàng lưu động bình ổn. Trong đó, Sở Công thương tổ chức 130 điểm bán, Viettel Post và VN Post tổ chức 258 điểm bán. 

Tuy vậy, theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, số lượng các điểm bán trên sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia.

"Tạm thời Sở sẽ không giới hạn đơn vị tham gia hoạt động này, nhưng công tác tổ chức ở các điểm bán phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 và giá bán phải bình ổn như cam kết", đại diện Sở Công Thương khẳng định.

3.001 điểm bán hàng bình ổn giá và 388 điểm bán hàng lưu động tại TP.HCM - 1

TP.HCM có 3.001 điểm bán hàng bình ổn giá và 388 điểm bán lưu động. 

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của chợ truyền thống, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở TT&TT triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống.

Cụ thể, đã triển khai thí điểm mô hình "App đặt lịch đi chợ dành cho người dân" thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12, mô hình "Tổng đài đặt lịch đi chợ" thí điểm tại chợ Bình Thới, quận 11. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả tại các chợ thực hiện thí điểm, sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Đối với một số địa phương khó khôi phục lại chợ truyền thống, Sở đã đề xuất một số mô hình như lập các điểm bán quy mô nhỏ (2 - 10 tiểu thương), ưu tiên kinh doanh các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… trong sân chợ hoặc các điểm bán nhỏ.

Bên cạnh đó, vận dụng lực lượng tại địa phương để hỗ trợ kết nối giao hàng trực tiếp từ các thương lái chợ đầu mối, nhà vườn đến cho người dân.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay đã có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động đảm bảo các điều kiện an toàn theo "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) với gần 80.000 lao động.

Về hỗ trợ doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, căn cứ vào điều kiện thực tế, Sở Công thương sẽ phối hợp địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành rà soát, triển khai áp dụng hỗ trợ phù hợp theo nghị quyết của HĐND TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, ngoài việc đẩy mạnh tiêm vaccine trong thời gian tới thì cần đưa các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thường nhật, trong đó có việc mua thực phẩm, đi chợ…

Trước đó, vào ngày 18/7, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM ông Bùi Tá Hoàng Vũ đã ký gửi văn bản báo cáo nhu cầu lương thực, thực phẩm cần được cung ứng đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết qua khảo sát tình hình thực tế TP.HCM hiện thiếu hụt nguồn cung rau củ quả với sản lượng khoảng 1.000 - 1.500 tấn/ngày. Khảo sát này dựa trên sự rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu tiêu dùng của người dân tại thành phố và khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng hàng hóa thành phố trong điều kiện 3 chợ đầu mối bị tạm ngưng hoạt động, khâu vận tải hàng hóa gặp khó, nguồn cung giảm sút.

Ngoài ra, do nhu cầu cung ứng trứng gia cầm hiện nay của các doanh nghiệp tại thành phố và từ các địa phương giảm, nên thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thiếu hụt khoảng 300.000 - 400.000 trứng mỗi ngày.

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản khu vực phía Nam. Nhiệm vụ của tổ công tác này nhằm giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của bộ.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn