(VTC News) – Hà Nội vừa lên kế hoạch chi 2.000 tỷ đồng để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng chuyên gia về giao thông "nghi ngại" tính khả thi của kế hoạch này.
Song song với đó, TP cũng sẽ từng bước xây dựng lại các bến xe và quy hoạch lại các khu nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2015 sẽ giảm 40% thời gian UTGT, đồng thời giảm thiểu ít nhất 27 điểm nóng trên địa bàn.
Thực tế số tiền 2.000 tỷ đồng không phải là lớn nếu đem so với GDP của Hà Nội năm 2011 (xấp xỉ 81.000 tỷ đồng). Vấn đề nằm ở chỗ liệu con số ấy có đủ để TP có một bức tranh tươi sáng về giao thông hơn hay không?
2.000 tỷ đồng – "Liệu đã đủ hay chưa?
Trao đổi với VTC News, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông không chỉ nằm ở nâng cấp và cải tạo những con đường hay những phương tiện giao thông công cộng."PGS. TS Nguyễn Văn Hùng
Đánh giá về nỗ lực của UBND TP Hà Nội khi đưa ra dự án đầu tư 2.000 tỷ để cải thiện mạng lưới giao thông, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sự ghi nhận với lãnh đạo TP trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Cũng giống một số biện pháp trước đây như xây cầu vượt nhanh, phân làn riêng cho các phương tiện giao thông… TP đã tạm thời giải quyết được vấn đề nan giải trước mắt.
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết một cách triệt để. Theo ông Hùng, đầu tiên là các phương tiện giao thông công cộng, hiện xe buýt mới chỉ phục vụ từ 5h sáng đến khoảng 23h đêm, "như vậy lượng khách trong quãng thời gian từ nửa đêm đến sáng buộc phải sử dụng những phương tiện cá nhân để di chuyển" - ông Hùng băn khoăn.
Tiếp đó, việc các siêu thị cũng như các chợ đầu mới mọc lên nhan nhản ở ngay trung tâm TP - những địa điểm này thường thu hút rất đông người tham quan và ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây tắc đường.
Cùng với đó, vẫn tồn tại những nút giao thông thắt cổ chai ở những đường như Thanh Lương, Bùi Ngọc Dương… khiến các phương tiện luôn gặp khó khăn.
Theo đó, "chi" 2.000 tỷ đồng chống UTGT là rất tốt và hữu ích với Thủ đô vào lúc này, bởi nó hợp với nhu cầu của thời đại, yêu cầu của trung ương, cũng như sự quan tâm của người dân.
Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, với quá nhiều hạng mục phải đầu tư như đã liệt kê ở trên, UBND TP có lẽ vẫn cần phải có một con số ấn tượng hơn, thậm chí là không cần trích ra ngân sách của nhà nước “nếu như đất hai bên đường thi công được bán lại cho các chủ đầu tư, rồi dùng chính tiền đó tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng đề xuất.
“Để đánh giá xem con số 2.000 tỷ này có đáp ứng được nhu cầu và phát huy hết hiệu quả tối đa được hay không là một câu hỏi không dễ trả lời bởi nó đang được nhìn nhận ở tầm nhìn hiện tại. Trong khi đó mỗi năm Hà Nội lại có thêm rất nhiều đường xá mới được mở. Nhu cầu của người dân về phương tiện đi lại cũng vì vậy mà tăng theo. Do đó đến năm 2015, con số 2.000 tỷ chưa chắc đã đem lại tác dụng như mong muốn”, ông Hùng nghi ngại.
Lộ trình giải ngân 2000 tỷ nên diễn ra như thế nào?
Có quá nhiều việc cần phải làm trong khi đồng vốn đầu tư lại có hạn, "nếu đưa dự án 2.000 tỷ vào thực tế sẽ bắt đầu tiến hành như thế nào?" - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội quan tâm.
Hiện Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn đang trong quá trình đổi mới, mà bản chất của quá trình này chính là trả lại quy luật khách quan cho sự phát triển. "Vì thế nên dù số tiền đầu tư là khá lớn nhưng vẫn cần phải xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ mọi vấn đề ở nhiều khía cạnh".
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Tốt nhất nên mời các chuyên gia để thẩm định tình trạng giao thông hiện tại của Thủ đô, sau đó tìm ra từng nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Tránh tình trạng hoạt động thiếu đồng bộ và nhất quán, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài”.
Ông Hùng nêu, vấn đề nhức nhối lâu nay trong dư luận là tình trạng xe buýt, có rất nhiều phàn nàn về phương tiện công cộng này tỏ ra quá kềnh càng so với những con đường Việt Nam, cùng với đó là thái độ lái xe khá ẩu của các tài xế.
“Nên chăng giảm thiểu kích thước phương tiện xuống hay giãn khoảng cách giữa hai bến đỗ ra để tránh tình huống xe buýt đã to lại chạy kềnh càng giữa lòng đường, không có chỗ cho phương tiện khác di chuyển. Ở những điểm nóng về giao thông, có thể cho xây dựng những điểm chờ xe buýt nằm ở dải phân cách giữa lòng đường”, ông Hùng đề nghị.
Tiếp đó, ông Hùng phân tích vấn đề đường xá: “Thường thì chúng ta chỉ thấy tắc đường cục bộ ở một con phố, một ngã tư chứ không bao giờ nghĩ rằng Hà Nội đang tắc trên khắp TP". Theo nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội thì tắc đường không chỉ có biểu hiện là ứ đọng tại một điểm, mà nó được thể hiện rõ nhất qua tốc độ lưu thông của các phương tiện đi trên đường.
Thường thì tại Thủ đô vào giờ cao điểm, hiếm khi người tham gia giao thông có thể đi với vận tốc trên 20km/h. Ông Hùng chỉ rõ: “Tốc độ lưu thông chậm giống như mạch máu bị tắc nghẽn, và đương nhiên nó không thể có ở một cơ thể khỏe mạnh được”
Chỉ khi nào mọi người có thể đi lại trong TP với tốc độ nhanh mà vẫn bảo đảm an toàn thì khi đó mới có thể coi là Hà Nội đã giải quyết tốt vấn đề UTGT. Muốn có được điều ấy thì ngoại sự cố gắng từ phía TP, mọi người dân cũng đều phải có trách nhiệm với giao thông và cũng là có trách nhiệm với chính bản thân mình.
“Giao thông cuối cùng vẫn phải là giao để thông thôi mà”, ông Hùng kết luận.
Tùng Phong
Bình luận