20 năm về trước, ngày 22/9/1996, một người đàn ông thanh lịch đến từ nước Pháp hạ cánh xuống Bắc London. Ông xuất hiện với dáng hình mảnh khảnh, cặp kính tròn và mái tóc xoăn, mỉm cười, ký vào bản hợp đồng với Arsenal. Không ai có thể ngờ rằng, khoảnh khắc đó rồi sẽ mở ra một mối tình kéo dài hai thập kỷ.
Ngay từ cái tên của ông (Arsene – Arsenal) đã cho thấy duyên phận giữa ông và đội bóng. Sự tương đồng của hai cái tên chỉ khác nhau hai chữ cái cuối cùng, có lẽ cũng sẽ là số phận của chiến lược gia người Pháp với đội bóng nước Anh.
20 năm dẫn dắt Arsenal, và có thể còn kéo dài đến năm thứ 21, 22 khi mà đam mê của Wenger vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên phải chăng như chính cái tên tương đồng của mình và đội bóng. Ngày cuối cùng cũng là 4 chữ cái giống nhau dừng lại. Còn lại chỉ là chữ “E” (End - Kết thúc) và chữ “AL” (Allow - Chấp nhận).
Sự chấp nhận mang tính cưỡng cầu của những người luôn muốn ông ở lại, và sự chấp nhận mang tính cam chịu: khi chép miệng mà rằng Wenger là người muôn năm cũ, chứ không phải của bóng đá kim tiền hôm nay.
Khi nhiệm kỳ của năm thứ 20 đến, qua đó đưa mối tình Wenger – Arsenal đi đến cột mốc mới, dấu hiệu về nhìn về hai hướng lại manh nha. 10 năm không giành được danh hiệu Premier League, trong đó có 8 năm trắng tay liên tiếp, đã được viện dẫn lý do là vì Chelsea, Man United, Man City tiêu nhiều tiền hơn ông.
Nhưng khi chỉ phải cạnh tranh với “ngựa ô” Leicester City, mà Arsenal vẫn không biết cách để có thể cải thiện được vị trí trong top 4, thì đấy là lúc vấn đề được đặt ra cho Wenger.
Chúng ta đang trong thời đại tôn vinh người chiến thắng mà không hề quan tâm đến phương tiện hoặc phương pháp mà họ đã sử dụng
Arsene Wenger
Trong buổi phỏng vấn và chụp hình với tạp chí L’Equipe của Pháp cách đây một năm, Wenger có chia sẻ “Chúng ta đang trong thời đại tôn vinh người chiến thắng mà không hề quan tâm đến phương tiện hoặc phương pháp mà họ đã sử dụng.
Và 10 năm sau, chúng ta nhận ra anh chàng này đã gian lận. Trong suốt thời gian đó, người đứng ở vị trí thứ 2 phải chịu đựng rất nhiều. Anh ấy không nhận được sự công nhận, cũng như cảm thấy không hài lòng với những gì mà người đời đã nói về anh ta.”
Như một cách nhắn nhủ về những di sản ông để lại cho Arsenal, đôi khi điều được trân trọng không phải là chiến thắng.
Hai thập kỷ qua, người đàn ông sở hữu phong thái quý tộc này đã mang về 15 danh hiệu cho Pháo thủ. Trong đó đáng nhớ nhất là thành tích bất bại của mùa giải 2003-2004, mà đến hôm nay những người yêu quý Arsenal vẫn nhắc lại như một câu chuyện truyền kỳ. Dẫu vậy, trên con đường vinh quang ấy, chiếc cup Champions League vẫn luôn là giấc mộng dang dở.
Arsenal không có duyên với Champions League. Quãng thời gian từ 1996-2006, dù đã trở thành một thế lực trong cuộc đua song mã với Manchester United, nhưng thành tích của Arsenal tại Champions League lại khá nghèo nàn. Hai mùa giải đầu tiên mà Wenger tiếp quản, đội bóng không tham dự Champions League, hai mùa giải tiếp theo thì bị loại ngay từ vòng bảng.
Phải đến mùa 2000-2001 mới xuất hiện tại tứ kết. Nhưng đến hai sau quay lại bị loại ở vòng bảng. Hành trình trắc trở của Arsenal trên mặt trận Châu Âu khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng của đội ở ngoài biên giới nước Anh.
Mùa giải 2005-2006, là một cột mốc đặc biệt với đội bóng. Đấy là lần đầu tiên sau một thập kỷ cạnh tranh chức vô địch và đua song mã với MU, Arsenal rớt xuống vị trí thứ 4.
Những “The Gooner” khi đó chỉ xem đấy là một bước lùi của Henry và Viera, mà không ngờ nổi con số 4 sẽ còn ám ảnh Arsenal cho đến một thập kỷ sau đó nữa. Chuyện bắt đầu là chính từ mùa giải ấy.
Nhưng chính mùa 2005-2006 lại cho Arsenal điều khác: sự tự tin tại đấu trường Châu Âu. Đấy là năm họ giành chức á quân Champions League và gục ngã đầy quả cảm trước Barcelona hùng mạnh của Ronaldinho. Bất chấp thi đấu 10 người trong gần 80 phút trận chung kết, vẫn ghi bàn dẫn trước sau cú đánh đầu của Sol Campbell phút 37, dù cho Jens Lehmann đã bị đuổi từ phút 18.
Trên hành trình của chức Á Quân ấy, Arsenal đã để lại sau lưng hai kẻ hùng mạnh và già dơ khác, đấy là Real Madrid ở vòng 1/8 và Juventus ở vòng tứ kết. Có lẽ, cuộc đời luôn là sự bù trừ. Champions League kể từ sau năm 2006, không còn ám ảnh Arsenal nữa.
Nếu người Arsenal nhìn lại hành trình của họ trong 10 năm từ 1996-2006, họ có thể mỉm cười về những gì Arsenal có hôm nay. Nhưng lẽ đời, khi Á Quân thì người ta đòi chức vô địch. Wenger trên mái tóc điểm bạc và đôi mắt ưu tư ấy có lẽ gánh chịu áp lực khủng khiếp hơn rất nhiều những gì người ta có thể nắm bắt.
“Cách duy nhất để chống lại thời gian là không hoài niệm quá nhiều. Nếu tiếp tục nhìn lại quá khứ, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và tội lỗi.”
Đêm nay, Arsenal đến với khúc nhạc hiệu Champions League. 20 năm mối tình hoa mộng Wenger - Arsenal, Champions League vẫn như giấc mơ khó nắm bắt. Nhưng người đàn ông già nua đó vẫn căng tràn sức sống để đuổi bắt lấy nó.
Wenger như vậy, “The Gooner” có gì mà phải cúi đầu?
Bình luận