• Zalo

20 CĐV đi xem trận đấu ở giải vô địch bóng đá nữ

Thể thaoThứ Bảy, 25/11/2017 13:51:00 +07:00Google News

Các cụ ông cao tuổi co ro trên khán đài trống mênh mông trong cái lạnh tê tái của mùa đông miền Bắc. Hậu SEA Games, bóng đá nữ trở lại cảnh đìu hiu chợ chiều chẳng mấy người xem.

Sân Thiên Trường (Nam Định) chiều 24/11, bên ngoài vắng hoe hoắt. Ít người có thể nghĩ phía trong sân đang diễn ra trận đấu của giải bóng đá nữ VĐQG giữa Than Khoáng Sản Việt Nam-TP Hồ Chí Minh II. 

Vô tình xem bóng đá

Lối vào bên phía khán đài A, một nhân viên an ninh đã luống tuổi lơ đễnh nhìn theo khách, chẳng buồn kiểm tra. Độ 15 phút nữa, trận đấu giữa hai đội sẽ bắt đầu. Khán đài B không một khán giả.

cdv viet nam

 

Phía bên này, đếm mãi có 3 CĐV đều đã cao tuổi, ngồi nép vào nhau ngay cạnh lối ra vào. Lâu lâu, một đợt gió lạnh thổi tràn qua khán đài, những người ngồi trên sân lại một lượt xuýt xoa, từng ngón tay đan vào nhau.

Cụ Khôi, 72 tuổi, co ro trong chiếc áo mùa đông. Ông cụ cho biết nhà cách sân Thiên Trường không xa, buổi chiều không có việc làm, nên qua sân xem bóng đá cho đỡ buồn. Ông cụ không nhớ rõ đây là buổi thứ 3 hay thứ 4 vào sân.

“Ở đây chiều nào đội tập tôi cũng ra xem, mà đá cũng ra xem. Nhưng là đội nam chứ đội nữ thì không quan tâm”, ông Khôi cho biết. 

cdv viet nam

 Với lượng khán giả như thế này, nhà tài trợ nào sẽ đầu tư cho bóng đá nữ?

Phía trong khu vực VIP, ông Lê Văn Nam ngồi lọt thỏm giữa hàng ghế. Đây là buổi đầu tiên ông Nam xem một trận đấu của giải nữ do vô tình đi qua sân vận động và thấy có bóng đá. Trận đấu diễn ra độ 20 phút, số CĐV trên sân tăng lên được độ 20 người.

Ông Lê Văn Lân, 65 tuổi, ngồi tranh thủ xem bóng đá, vừa nói chuyện với vợ, cụ bà Lan cũng đã 60 tuổi. Hai vợ chồng tập thể dục buổi chiều, ông Lân nói phải thuyết phục mãi mới rủ được vợ vào sân cổ vũ 2 đội bóng. 

Hai mươi CĐV trên sân Thiên Trường hôm qua, hầu hết đã nghỉ hưu hoặc trung tuổi. Một nhân viên an ninh sân cho biết, trận đấu vắng khán giả vì không có đội chủ nhà thi đấu, và nữa lại rơi đúng ngày đi làm. Ngày thường thì mỗi trận đấu cũng có… vài chục CĐV tới sân.

Ngân sách eo hẹp, tài trợ mỏi mòn

Mỗi năm, ngân sách từ Tổng cục TDTT “rót” cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hơn chục tỷ đồng. Năm 2016 có khoảng 15 tỷ đồng và qua năm nay có nhỉn hơn một chút. Con số này dù vậy vẫn chẳng thấm là bao so với số tiền VFF phải chi cho các ĐTQG.

Năm 2017, cả đội tuyển U22 Việt Nam và đội tuyển bóng đá nữ đều dự SEA Games 29. Chưa kể, đội tuyển U20 cũng tham dự VCK U20 thế giới tại Hàn Quốc. Mỗi chuyến xuất ngoại cho dăm chục con người đều tốn tiền tỷ.

cdv viet nam 3

 V.League được xem là “miếng bánh” lớn nhất đã được trao cho VPF quản lý và mỗi năm, công ty chỉ “chuyền” lại cho VFF 10 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo trẻ, hoạt động của các ĐTQG và các hoạt động khác

Thế nên mới có việc, VFF phải cậy hết các mối quan hệ quốc tế để các ĐTQG được hỗ trợ tài chính, tiết kiệm đồng nào tốt đồng đó. U20 có một chuyến tập huấn tại Đức trước khi sang Hàn Quốc dự VCK U20 thế giới, tuyển U22 thì được chăm bẵm từ đầu tới cuối và riêng đội tuyển nữ quốc gia cũng có hẳn một chuyến tập huấn Nhật Bản.

SEA Games 29, đội nam của HLV Hữu Thắng bị loại từ vòng bảng, trong khi tuyển nữ giành HCV. Đủ lời cay đắng và chỉ trích nhằm vào tuyển U22 Việt Nam và VFF, trong đó có cả những tiếng kêu…bỏ bóng đá nam để đầu tư cho đội nữ.

Người đàn ông này vô tình đi qua sân vận động Thiên Trường trong ngày diễn ra trận đấu ở giải bóng đá nữ VĐQG.Theo một quan chức cấp cao VFF, ngân sách dành cho bóng đá mỗi năm là rất ít so với yêu cầu chi tiêu. “Hơn nữa về lâu dài, bóng đá không thể trông đợi vào ngân sách và buộc phải tự nuôi mình. Chúng tôi cũng xác định điều này nhưng về ngắn hạn thì còn khó khăn”, vị trên cho biết.

Cũng theo vị này, việc vận động tài trợ cho bóng đá nữ càng khó, bởi CĐV đến sân chẳng được mấy người nên nhà tài trợ cũng không mặn mà. Không chỉ với giải nữ, đây cũng là khó khăn chung đối với nhiều giải trẻ khác, như U15, U17 hay thậm chí U19.

Gần đây, việc tổ chức giải nữ và các giải trẻ trông cả vào hai doanh nghiệp của ông bầu Trần Anh Tú, Uỷ viên Thường trực VFF.Không có nhiều nhà tài trợ nên giải thưởng của giải VĐQG nữ cũng chẳng đáng bao nhiêu so với giải VĐQG nam, lần lượt chỉ 300 triệu, 200 triệu và 100 triệu đồng. Tiền thưởng vô địch cả mùa, xong trận đấu chưa ráo mồ hôi đã hết.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn