• Zalo

2 tuyến metro ở TP.HCM vẫn đang đợi vốn, tiếp tục trễ hẹn về đích

Thời sựThứ Tư, 03/07/2019 11:20:00 +07:00Google News

Do còn vướng mắc thủ tục nên hiện 2 tuyến metro ở TP.HCM vẫn chưa được giải ngân vốn để đảm bảo về đích đúng kế hoạch.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đối với các dự án ở thành phố.

Theo đó, tại TP.HCM có 12 dự án sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường với tổng vốn đầu tư tương đương 104.088 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị vốn ODA là 88.577 tỷ đồng, tổng giá trị vốn đối ứng là 15.510 tỷ đồng.

Theo UBND TP.HCM, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tại thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, 2 dự án trọng điểm hiện đang chậm trễ là tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương).

Do chưa được thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư nên 2 dự án này vẫn chưa được giải ngân để đảm bảo khai thông nguồn vốn, về đích đúng kế hoạch dự kiến.

metro1

 Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện vẫn chưa thể hoàn thành đúng kế hoạch vì thiếu vốn.

Theo UBND thành phố, do vướng mắc từ các chính sách, quy định của Nhà nước và chưa có các hướng dẫn chính thức của các Bộ, ngành Trung ương nên thành phố đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn vốn sử dụng cho từng loại dự án theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp một số khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi; công tác giải ngân.

UBND thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và bố trí kế hoạch vốn năm 2019 từ nguồn vốn TW cấp phát cho các dự án ODA để đảm bảo đủ vốn thực hiện trong năm nay. 

UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tìm các giải pháp thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ vướng mắc và biện pháp bảo đảm an toàn nợ công.

Video: Đội vốn 300%, tuyến metro số 1 ở TP.HCM vẫn chậm tiến độ

Đồng thời, các sở, ngành cũng xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện dự án làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá, đảm bảo tiến độ theo cam kết với nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất cùng với các sở, ngành chức năng và chủ các dự án ODA để kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thành phố cũng giao cho các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với kế hoạch giải phóng mặt bằng đã thống nhất.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn