Liên quan đến lùm xùm của Công ty Cổ phần Leflair (Leflair) sau đóng cửa khiến gần 500 nhà cung cấp "đứng ngồi không yên" vì có nguy cơ mất trắng hơn 50 tỷ đồng tiền công nợ.
Ngày 8/5, trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tuỳ thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT, nếu cơ quan điều tra kết luận 2 ông chủ của Leflair phạm tội chiếm đoạt tài sản thì mức án có thể lên tới 20 năm tù giam.
Cũng theo luật sư Cường, dựa trên trình báo, nghi nghờ của khách hàng và các nhà cung cấp của Leflair, căn cứ xác định có dấu hiệu liên quan đến việc “chiếm đoạt tài sản” là các khoản tiền góp vốn của các nhà cung cấp thông qua các “thủ đoạn” (nếu có), thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sự việc, trong đó không loại trừ khả năng có dấu hiệu tội phạm.
"Phải tùy thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp này, các nhà cung cấp/khách hàng bị mất tiền khi đầu tư/mua hàng từ Leflair sẽ quyết định thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo.
Trường hợp Cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu tội phạm, chỉ là quan hệ dân sự thì các nhà đầu tư buộc phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình", luật sư Cường cho hay.
Trước việc Leflair không thiện chí chia sẻ các vấn đề về công nợ để làm rõ các vấn đề liên quan cũng như hoàn trả các khoản nợ với các các nhà cung cấp/khách hàng, theo luật sư Cường, các nhà cung cấp/khách hàng nên tập hợp các thỏa thuận đã ký kết với Leflair (các văn bản trao đổi, biên bản làm việc…) liên quan đến tòan bộ quá trình giao dịch để làm chứng cứ trước toà.
Còn trong trường hợp nghi nghờ có dấu hiệu “lừa đảo” hoặc “lạm dụng tín nhiệm” để chiếm đoạt tài sản, nhà cung cấp/khách hàng có thể trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền (PC03 Cơ quan CSĐT về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu TP.HCM) để yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc.
Sau khi có kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT, có thể áp dụng Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 để xét mức án.
Cụ thể, Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Nếu phạm tội có có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù giam.
Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Do đó, với số công nợ lên tới hơn 50 tỷ đồng của các nhà cung cấp, nếu kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT kết luận người chịu trách nhiệm của Leflair phạm tội chiếm đoạt tài sản thì mức án có thể lên tới 20 năm tù giam.
Trước đó, đầu tháng 2/2020, website chuyên bán hàng hiệu Leflair đột ngột thông báo đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đơn vị này giải thích tạm ngừng kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
Theo đại diện của gần 500 nhà cung cấp, số công nợ mà Leflair đang giữ của họ lên tới 50 tỷ đồng. Trong số công nợ Leflair đang thiếu của các nhà cung cấp, trường hợp thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.
Trước tình hình này, các nhà cung cấp làm đơn tố cáo Leflair ra tòa, đồng thời gửi đơn thư đến các đơn vị liên quan.
Đến tháng 4/2020, Cục CSĐT tội phạm, Cục Lãnh sự, Toà án Nhân dân TP.HCM và Công an TP.HCM đồng loạt có thông báo gửi đến các nhà cung cấp xác nhận đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của họ về việc cho rằng Leflair có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bình luận