• Zalo

Tàu vỏ thép Bình Định hư hỏng: 2 nhà máy nhận khắc phục toàn bộ thiệt hại

Thời sựThứ Bảy, 01/07/2017 12:28:00 +07:00Google News

Đó là kết quả cuộc họp do Sở NN&PTNT Bình Định tổ chức giữa hai nhà máy đóng tàu và chủ của 18 tàu vỏ thép hư hỏng vào chiều 30/6.

Nhân viên tổ giám định hướng dẫn các chủ tàu lập biên bản về các điều khoản khắc phục, sửa chữa tàu với hai nhà máy chiều 30-6 

Cuộc họp có sự tham gia của ông Nguyễn Thế Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an); ông Trần Quốc Tiến - phó cục trưởng Cục Quản lý công nghiệp - an ninh (Bộ Công an); lãnh đạo Công ty Nam Triệu.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên - giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương - sau hai lần vắng họp trước đây, lần này 
cũng đã có mặt.

Trên thực tế, số tàu hư hỏng tại Bình Định mà hai nhà máy chấp nhận khắc phục là 19 chiếc, gồm 14 tàu do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) đóng và 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Trong số này có 18 chủ tàu có khiếu nại, còn một chủ tàu không khiếu nại nhưng Công ty Nam Triệu xác định đã lắp máy chính không đúng chủng loại nên đã chủ động lên 
phương án thay thế.

Thay máy, thay thép, 
trả lại tiền thiết kế tàu

Nghe ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - thông tin lại kết quả thẩm định độc lập 17 chiếc tàu vỏ thép hư hỏng (có 1 tàu đi đánh bắt trong thời điểm kiểm tra nên không thẩm định được) mà UBND tỉnh Bình Định đã công bố ngày 26-6, cả đại diện hai công ty đều chấp thuận.

Lãnh đạo của hai công ty đã trao đổi riêng với các chủ tàu vỏ thép hư hỏng suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Các bên đã thống nhất với nhau về phương thức, thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng.

Video: Đánh tráo thép Trung Quốc, công ty đóng tàu bỏ túi tới 9 tỷ đồng/tàu

Ông Nguyễn Thế Bình cho biết Công ty Nam Triệu và 14 ngư dân thống nhất kéo 14 tàu lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để làm sạch toàn bộ bề mặt vỏ tàu và sơn toàn bộ theo đúng quy trình kỹ thuật; thay mới toàn bộ 11 máy chính hiệu Mitsubishi không chính hãng đã lắp cho các tàu trước đây.

Công ty Nam Triệu cũng sẽ thay mới các máy phát điện không đảm bảo công suất khai thác.

Riêng một máy hiệu Cummins được thẩm định là nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhưng hợp đồng ghi sản xuất tại Singapore thì công ty sẽ kiểm tra lại, nếu không đúng như hợp đồng đã ký kết sẽ thay 
mới cho ngư dân.

Doanh nghiệp và ngư dân thống nhất phương án khắc phục hầm bảo quản bị hư hỏng, đồng thời kiểm tra và thay máy dò cá bị hư đầu dò, nếu máy không hoạt động được sẽ thay mới.

Thời gian sửa chữa tàu cá bị hư hỏng chia làm hai đợt: đợt 1 từ ngày 30-6 đến 15-7 và đợt 2 từ ngày 15 đến 30-8. Công ty chịu 100% kinh phí và cũng đồng ý trả lại tiền thiết kế mẫu tàu cho chủ tàu.

Ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cũng công bố kết quả thảo luận giữa lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương với năm chủ tàu.

Theo đó, về vỏ tàu: cho kiểm tra tổng thể, nếu đóng bằng thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt thép cấp A thì thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.

Công ty đóng tàu có trách nhiệm thanh toán lại phần chênh lệch giữa thép Trung Quốc và thép Hàn Quốc cho ngư dân. Công ty cam kết làm sạch toàn bộ bề mặt và sơn lại tàu đúng quy trình bảo 
dưỡng tàu vỏ thép.

Công ty Đại Nguyên Dương cũng cam kết thay một máy đầu dò Sonar và thay màn hình dò cá của một tàu khác; sửa chữa lại hầm bảo quản cá theo đúng quy chuẩn của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, ông Phúc còn cho biết: “Trong quá trình làm việc, các chủ tàu có ý kiến là máy bảo ôn lắp trong hầm bảo quản là máy Trung Quốc, nhưng theo hợp đồng phải là máy của Đức.

Đây là ý kiến mới, hai bên thống nhất Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra lại, nếu Công ty Đại Nguyên Dương lắp máy không đúng hợp đồng thì phải trả lại tiền chênh lệch cho chủ tàu. Công ty Đại Nguyên Dương cam kết thanh toán mọi chi phí, kể cả chi phí thiết kế cải hoán”.

Cuộc làm việc kết thúc bằng việc ký biên bản giữa từng chủ tàu và hai công ty đóng tàu.

*** Error ***

 Ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - chủ tàu cá số hiệu BĐ 99245 TS - phải tháo toàn bộ máy bị hỏng trên tàu để kiểm tra

Yêu cầu khắc phục nhanh, chất lượng

Ông Mai Văn Chương, chủ tàu vỏ thép ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, đóng tàu ở Công ty Đại Nguyên Dương), bộc bạch: “Tôi mong muốn sớm trở lại biển vì tàu hư hỏng nằm bờ quá dài ngày, nhớ biển quá. Tôi yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương sửa chữa tàu cho đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, vì đây là phương tiện mà ngư dân ký thác đời mình cùng những bạn thuyền khác trong ít nhất mười mấy năm. Tôi đề nghị tỉnh và Sở NN&PTNT đôn đốc, giám sát việc khắc phục giúp chúng tôi”.

Trong khi đó, ngư dân Trương Hoài Khánh (TP Quy Nhơn) vẫn bày tỏ băn khoăn về thiệt hại của ngư dân trong thời gian dài tàu nằm bờ.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc cho biết UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các huyện, TP làm việc với ngư dân, thống kê thiệt hại cụ thể, có cơ sở, sau đó gửi về UBND tỉnh thông qua Sở NN&PTNT xem xét, 
chỉ đạo xử lý sau.

 

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn