Tổng hợp báo cáo chỉ số AQI từ ngày 3/3 - 9/3 tại TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí trong tuần này không có biến động nhiều so với tuần trước đó, chủ yếu vẫn duy trì ở mức trung bình.
Tuy nhiên, chất lượng không khí (AQI) vẫn có sự chênh lệch giữa các ngày trong tuần. AQI ở mức kém tập trung chủ yếu vào các ngày đầu tuần (thứ 2 và thứ 3).
Nhìn chung, 8/3 là ngày có chất lượng không khí tốt nhất trong tuần này. Chỉ số chất lượng không khí trong tuần dao động trong khoảng từ 41 - 116.Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này số ngày AQI ở tốt giảm nhẹ.
2 trạm Mỹ Đình và Tây Mỗ 100% số ngày AQI ở mức trung bình. Trạm Kim Liên và Tân Mai đều có 1 ngày AQI đạt mức tốt, đều chiếm 14,3%, còn lại ở mức trung bình. Trung Yên 3 là trạm duy nhất có 1 ngày AQI ở mức kém chiếm 14,3%, 85,7% còn lại ở mức trung bình.
Đối với 2 điểm quan trắc giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, chất lượng không khí tại cả 2 trạm vẫn duy trì ở mức trung bình là chủ yếu. Số ngày AQI ở mức kém tại trạm Phạm Văn Đồng giảm (14,3%) còn 28,6%, 71,4% ở mức trung bình.
Tại trạm Minh Khai số ngày AQI đạt mức tốt (14,3%) và chạm mức kém giữ nguyên (28,6%), còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này thấp hơn so với tuần trước, lần lượt là 111 và 116.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí cũng không có biến động nhiều. Hoàn Kiếm là trạm duy nhất có 1 ngày AQI đạt mức tốt, còn lại ở mức trung bình. Số ngày AQI kém tại trạm Hàng Đậu và Thành Công lần lượt là 28,6% và 14,3%.
Có thể thấy, vào ngày thứ 7 và thứ 2 đầu tuần, lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường khá cao, gây ùn tắc giao thông trong thời gian dài tại nhiều khu vực trên toàn TP, do đó, chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc thường có xu hướng tăng lên. Có diễn biến tương tự, trong tuần này AQI tại các trạm tăng lên khá cao vào thứ 2, thứ 3 và thứ 7 (một số trạm chạm ngưỡng kém).
Ngoài chịu tác động của hoạt động giao thông, chất lượng không khí cũng một phần nào đó chịu ảnh hưởng của điều kiện khí tượng. Cụ thể, vào các ngày 4/3, 5/3 và 9/3, sáng sớm xuất hiện sương mù, trời âm u, không có nắng, ít gió, nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch, các chất khí thải khói bụi không khuếch tán được lên các tầng cao mà bị giữ lại tại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ các chất có trong không khí, chất lượng không khí có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, vào các ngày như 3/3 trưa chiều trời hửng nắng, có gió nhẹ và từ tối ngày 5/3 không khí lạnh tràn về mang theo mưa và gió khá mạnh. Gió gây ra các dòng chảy rối trong không khí ở lớp sát mặt đất. Nhờ có gió chất ô nhiễm được khuếch tán rộng ra làm cho nồng độ chất ô nhiễm giảm xuống rất nhiều so với ban đầu. Mưa giúp rửa trôi các hạt bụi, hấp thu một số chất ô nhiễm, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông…
Bình luận