Nguyễn Thị Diệp ra đi ở tuổi 26 vào rạng sáng 29/11, trước khi bước vào đợt điều trị tiếp theo, chờ ghép tạng lần hai. Cô là người Việt Nam đầu tiên được ghép gan thành công.
Nguyễn Thị Diệp bị teo đường mật bẩm sinh, từng trải qua phẫu thuật nối đường mật với ruột từ lúc 3 tuổi, đến năm 9 tuổi thì bị xơ gan, chảy máu, phải nhập viện cấp cứu. Để ghép gan cho Diệp, bố và ông nội đều tình nguyện hiến gan. Cuối cùng, các bác sĩ kết luận người cho gan phù hợp là bố bệnh nhân - ông Nguyễn Quốc Phòng, lúc đó 31 tuổi.
Trước khi ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp, Học viện Quân y 103 đã chuẩn bị trong 5 năm, bao gồm cả việc cử chuyên gia đi nước ngoài học về kỹ thuật ghép gan, miễn dịch, huyết học...
Ngày 31/1/2004, cô bé Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, đến từ Hải Hậu, Nam Định "bước vào" ca phẫu thuật lịch sử, được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và có sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản. Hai phòng mổ được bố trí 12-14 người, trong đó có 3 phẫu thuật viên chính.
Sau 16 giờ cân não, ca mổ có chi phí 2,6 tỷ đồng được tuyên bố thành công. Cô bé Diệp dần ổn ổn định sức khỏe và có cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Lớn lên, Diệp học trung cấp quân y rồi làm điều dưỡng tại Học viện Quân y - nơi đã hồi sinh cho cô. Để giữ sức khỏe và bảo vệ lá gan được ghép, cô vẫn đều đặn uống thuốc chống thải ghép và kiểm tra sức khỏe mỗi tháng.
Gần một năm trở lại đây, sức khoẻ của Diệp kém đi. Cô sụt cân, mệt mỏi, men gan tăng, có hiện tượng xơ gan. Bác sĩ cho biết phải ghép gan lần 2 mới có thể tiếp tục duy trì cuộc sống. Khoảng 1 tuần nay, Diệp được gia đình đưa về nhà để chuẩn bị cho ca phẫu thuật này, nhưng sức khỏe của cô suy kiệt dần, chưa đủ điều kiện để ghép.
Diệp gầy rộc, chỉ nặng 38 kg. Nằm trên giường bệnh, toàn thân cô gái nhuốm màu vàng, tay chi chít gạc và kim tiêm. Diệp từng bộc bạch: “Sinh mạng mình phụ thuộc hoàn toàn vào đợt ghép tạng chưa có ngày cụ thể”.
Để đảm bảo sức khỏe, cô gái phải truyền huyết tương, đạm 2 lọ/ngày và một chai Abumin cách ngày. Cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép của Diệp đã có những biến đổi về mạch máu, tổ chức nên chức năng tạng bước vào giai đoạn xấu. Và trong lúc chờ sức khỏe tốt lên để có thể được ghép gan lần nữa, Diệp ra đi. Dù không thắng được bệnh tật nhưng 17 năm chiến đấu không ngừng, đến những ngày cuối vẫn không từ bỏ hy vọng của Nguyễn Thị Diệp là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo PGS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, Nguyễn Thị Diệp là bệnh nhân ghép gan sống lâu nhất tại Việt Nam từ trước đến nay: "Bệnh nhân đã sống với lá gan ghép trong 17 năm. Song, gan ghép cũng có tuổi thọ, tình trạng của Diệp cũng là điều tất yếu".
Ghép gan là phẫu thuật cực kỳ phức tạp. Tại Việt Nam, chỉ một số cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từng thực hiện. Bác sĩ phải cắt bỏ lá gan bệnh, thay toàn bộ hoặc một phần bằng tạng mới từ người hiến chết não hoặc tình nguyện viên còn sống. Trong lần tái ghép, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, nguy hiểm hơn so với ca ghép đầu tiên.
Bình luận