"Thà chết bệnh còn hơn chết thèm", là câu nói của vợ anh Nguyễn Duy T. 34 tuổi, Hòa Bình - bệnh nhân bị xơ gan gây chảy máu thực quản và đã 3 lần nhập viện cấp cứu.
Anh T. nghiện rượu từ năm 16 tuổi, đến nay có "thâm niên" uống rượu gần 20 năm. Biết tác hại của rượu nhưng anh T. vẫn không bỏ được.
Nhiều lần đến viện cấp cứu bác sĩ cảnh báo phải bỏ rượu hoàn toàn, nhưng chỉ được vài hôm anh T. lại tìm mọi cách để uống. Sáng ngủ dậy không có rượu, anh sẽ mệt cả ngày không làm nổi điều gì, chân tay co quắp. Dù nhiều lần ngấp nghé cửa tử nhưng người đàn ông này vẫn nói thà chết bệnh còn hơn chết thèm.
Tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết tỷ lệ bệnh nhân xơ gan do rượu ngày càng tăng lên. Nhiều bệnh nhân nhập viện bị xơ gan, vỡ tình mạch thực quản 2,3 lần vẫn chưa thể cai rượu gây nên tình trạng sảng rượu.
Tình trạng xơ gan do virus viêm gan cộng thêm nghiện rượu khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Phòng xơ gan thế nào?
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, gan là tạng rất quan trọng, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Khi gan bị viêm và hoại tử, tế bào gan dần dần được thay thế bằng mô xơ.
PSG Nam cho rằng xơ gan xảy ra khi gan bị bị xơ hóa trong nhiều năm và khi tổ chức xơ gan được hình thành thì rất khó hồi phục.
Giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển thầm lặng không có triệu chứng rõ ràng trên lâm sàng và xét nghiệm máu thông thường. Tỉ lệ cao xơ gan tiến triển đến suy gan và ung thư gan.
Nếu tình trạng viêm gan kéo dài, mô xơ được tạo ra ngày càng nhiều làm thay đổi và đảo lộn cấu trúc của gan. Lúc đó, gan không còn hoạt động tốt nữa và có biểu hiện suy chức năng gan. Xơ gan tiến triển có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh do xảy ra rất nhiều biến chứng.
Xơ gan do nhiều nguyên nhân nhưng ở Việt Nam tỷ lệ xơ gan chủ yếu do viêm gan B và C, lạm dụng bia rượu và tình trạng gan nhiễm mỡ.
Ước tính có khoảng 20% số trường hợp gan bị thoái hóa mỡ tức là ứ đọng mỡ trong các tế bào gan. Y học hiện đại đã chứng minh gan nhiễm mỡ kéo dài sẽ tiến triển thành viêm gan mạn có nguy cơ chuyển thành xơ gan và ung thư gan.
Ngoài ra, xơ gan còn có thể gặp trong các trường hợp suy tim, tắc mật lâu ngày, viêm gan tự miễn, dùng dài hạn các thuốc độc hại cho gan hoặc do một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh như ứ đọng chất đồng (bệnh Wilson) hoặc chất sắt (bệnh ứ sắt mô).
Có đến 20% trường hợp xơ gan không tìm được nguyên nhân.
Khi bị xơ gan, PGS Nam cho rằng không có trị liệu nào chữa lành xơ gan, điều trị nhằm giúp làm chậm tổn thương gan và ngăn ngừa biến chứng và chờ ghép gan. Chính vì vậy cách tốt nhất là chăm sóc lá gan, phòng xơ gan. Lối sống hiện đại cùng với chế độ ăn uống giàu mỡ, đạm đang làm quá tải gánh nặng cho gan.
Bác sĩ Nam khuyến cáo mọi người nên giảm rượu tối đa, chế độ ăn rau củ quả, thịt nạc, giảm mỡ động vật và các thức ăn chiên. Duy trì cân nặng tốt, chống béo phì quá cân.
Bình luận