(VTC News) – Việc 15.000 tàu cá Trung Quốc ồ ạt ra Biển Đông có ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam hay không?
Ngày 2/8, báo chí Trung Quốc đưa tin, sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa, 15.000 tàu cá nước này từ tỉnh Hải Nam đã ra khơi tràn vào khu vực Biển Đông.
Vậy việc tàu cá của Trung Quốc ồ ạt tiến ra biển Đông có ảnh hưởng gì đến ngư dân Việt Nam hay không? Liên quan đến vấn đề này, VTC News đã phỏng vấn ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Thuỷ sản.
Ông Trác cho biết, hiện mới chỉ có thông tin tàu của Trung Quốc ra biển Đông chứ chưa rõ các tàu đó có vào vùng biển Việt Nam hay không.
15.000 tàu cá của Trung Quốc ồ ạt tiến ra Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã |
“Điều quan trọng là tàu Trung Quốc có vào vùng biển của chúng ta hay không. Chúng ta phải theo dõi vấn đề này. Nếu tàu của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam thì chúng ta sẽ cực lực phản đối. Bởi đó là hành động xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Khi đó, các cơ quan chức năng như kiểm ngư, cảnh sát biển cần phải có biện pháp xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam,” ông Trác nói.
Video: Ngư dân Việt Nam kiên cường bám biển
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết thêm, những ngày này, Hội nghề Cá vẫn tiếp tục khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển.
“Ngư dân chúng ta vẫn ra khơi đánh bắt bình thường trên vùng biển của ta, không phải vì chuyện Trung Quốc đưa tàu đánh cá ồ ạt ra biển Đông mà chúng ta e ngại. Trong thời gian này, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển… cũng cần theo dõi, phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng bảo vệ người dân khi cần thiết,” ông Trác nói.
Theo thông tin từ Hội Nghề cá Việt Nam, thời gian qua có nhiều tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, mất nhiều tài sản.
Điển hình, vào lúc 23h00 ngày 9/7/2015, tàu cá QNg-90559-TS của ông Trương Văn Đức (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi đang đánh bắt trên vùng biền Hoàng Sa (gần đảo Phú Lâm) thì bị 3 tàu của Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm (mất toàn bộ tài sản). 11 thuyền viên trên tàu được tàu của ông Nguyễn Đua cứu vớt an toàn.
Ngày 10/6, tàu cá QNg-90657-TS do ngư dân Nguyễn Văn Phú (29 tuổi, ở xã Bình Châu) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang neo cách đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 14 hải lý thì bị 4 tàu của Trung Quốc mang số hiệu 589, 3103, 64501 và 35101 tấn công.
Ngay sau khi bắt tàu cá Việt Nam dừng lại, phía Trung Quốc đã thả 2 ca nô và 6 người cập mạn, buộc các ngư dân Việt Nam chuyển toàn bộ số hải sản đánh bắt được (khoảng 6 tấn) sang tàu Trung Quốc.
Phía tàu Trung Quốc còn lấy nhiều ngư cụ như máy định vị, máy dò cá, máy Icom, máy nhắn tin, 5 phuy dầu, dụng cụ lặn, đồng thời chặt phá 7 bành dây hơi, 1 dây neo… Toàn bộ tài sản mà phía Trung Quốc đã lấy, phá, ước tính hơn 544 triệu đồng (chưa kể tổn phí của chuyến đi biển gần 200 triệu đồng).
Trước đó, sáng ngày 7/6, tàu cá QNg-95193-TS do ngư dân Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, ở xã Bình Châu) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang neo cách đảo Bom Bay khoảng 4 - 5 hải lý cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, rượt đuổi và dùng vòi rồng phun nước, hất ngã hai ngư dân Bùi Tất Đoàn (23 tuổi) và Cao Xuân Lý (42 tuổi) khiến 2 người bị thương.
Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định đây là những hành động ngang ngược và phi nhân tính của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam - những người đánh bắt cá trên vùng biển của mình.
Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối việc làm của phía Trung Quốc đã gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam. Yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái nêu trên, đồng thời bồi thường thiệt hại về tài sản và tổn thương cho ngư dân Việt Nam.
Hội Nghề cá đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần phản đối và có biện pháp ngăn chặn hành động phi lý và ngang ngược của Trung Quốc. Cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ ngư dân hoạt động đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam.
Đà Long
Bình luận