• Zalo

TP.HCM: Mua dự án đất nông nghiệp gần 20 năm, nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng

Kinh tếThứ Ba, 06/06/2017 07:45:00 +07:00Google News

Từ năm 2011, 146 khách hàng mua đất dự án khu nhà ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM do Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Anh Toàn làm chủ đầu tư, sau 16 năm không cất được nhà vì là đất nông nghiệp.

Vì nhu cầu nhà ở, nên hàng trăm khách hàng đã gom góp tiền mua đất mong sẽ an cư lạc nghiệp. Ai ngờ, mua được đất nhưng không thể xây nhà... vì mua phải đất nông nghiệp.

Khốn khổ khi có đất vẫn phải ở trọ

Trong đơn phản ánh đếnVTC News, nhiều khách hàng mua đất dự án khu nhà ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho biết, họ mua đất tại dự án này vì thấy dự án được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, giá cả hợp lý và nhu cầu nhà ở bức thiết.

unnamed1

Khách hàng ký đơn tố cáo chủ đầu tư.

Khoảng năm 2001, khách hàng tìm đến dự án mua đất, được nhân viên công ty Anh Toàn khẳng định, dự án đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý. Sau khi ký hợp đồng và thanh toán đủ tiền sẽ được ra sổ và cấp giấy chủ quyền xây dựng nhà. Lúc đó, nhân viên công ty còn hứa thời gian xây nhà không quá 12 tháng sau khi ký hợp đồng.

Khoảng một năm sau, thấy dự án cơ bản hoàn thiện về hạ tầng, nhiều khách hàng vui mừng thanh toán 100% giá trị nền đất. Nhưng sau khi thanh toán đủ tiền, dự án “án binh bất động”, chủ đầu tư vẫn không giao nền.

Khách hàng nhiều lần khiếu nại, nhưng chỉ được chủ đầu tư thông báo đang vướng một số vấn đề pháp lý, khi nào xong sẽ thông báo. Nhiều người gặng hỏi thời gian hoàn tất thủ tục, thì đại diện chủ đầu tư ậm ừ: "Không biết bao giờ xong".

Bà P.T.L, một khách hàng mua đất ở đây, bức xúc: “Vợ chồng tôi gom góp được ít tiền, rồi bán thêm căn nhà đang ở, về đây tính mua cho con cái mỗi đứa một lô để an cư lạc nghiệp. Ai ngờ, nhà thì đã bán, tiền thì đã đóng mua đất nhưng suốt từ đó đến nay phải đi thuê nhà trọ ở...”.

“Vợ chồng tôi làm công nhân thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn nuôi hai đứa con, nên đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Vì nghĩ cần phải có nhà ở, nên tôi vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng để mua đất.

Đất mua xong hơn chục năm giờ vẫn phải ở thuê, hàng tháng tốn tiền trả lãi ngân hàng còn phải trả tiền 4 triệu đồng thuê nhà”, bà T.N.T, một khách hàng khác, than thở.

Nhiều khách hàng không thể chờ đợi, đã liều vào dự án xây nhà ở trái phép. “Vì nhu cầu nhà ở, chúng tôi đành liều xây tạm để có chổ chui ra chui vào. Mang tiếng là có nhà, nhưng cứ nơm nớp lo, không biết bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa lúc nào...”, anh V., một khách hàng liều mình cất nhà trên dự án, lo lắng.

Không chỉ thất hứa trong việc giao đất, theo các khách hàng, vừa qua, DNTN Anh Toàn yêu cầu mỗi khách hàng đóng thêm 30% giá trị nền đất hoặc “cắt” 30% diện tích nền đất cho doanh nghiệp làm chi phí giúp chủ đầu tư triển khai lại dự án vì chủ đầu tư đang gặp khó khăn.

Ngán cảnh chờ đợi nên một số khách hàng đã chịu thêm thiệt thòi, đóng thêm tiền hoặc “cắt” đất cho chủ đầu tư. Kết quả đến nay dự án vẫn không có động tĩnh gì. Không thể chịu đựng thêm, các khách hàng đồng loạt gửi đơn tố cáo chủ đầu tư lừa đảo đến Công TP.HCM và khiếu nại đến UBND TP.HCM.  

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo tìm hiểu của PV, khoảng năm 2002, năm cá nhân gồm các ông: Nguyễn Hữu Lạc, Lại Đình Bắc, Nguyễn Xuân Triển, Nguyễn Văn Miện và Nguyễn Văn Lộc gom mua được khoảng 4ha đất nông nghiệp tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn thành lập dự án rồi phân lô bán cho người dân.  

unnamed

Dự án khu nhà ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn khiến 146 khách hàng khốn khổ vì 16 năm qua không thể xây nhà. 

Sau đó, UBND TP.HCM có chủ trương cấm cá nhân phân lô bán nền, lập tức 5 cá nhân trên lách luật bằng cách lấy pháp nhân mới là DNTN Anh Toàn do ông Trần Quang Thành làm chủ, xin thành lập dự án tại khu đất trên.

Trong quá trình xin dự án, DNTN Anh Toàn tiếp tục ký hợp đồng bán đất cho người dân, giá 1,6 triệu đồng/m2, tổng cộng có 146 khách hàng. Số tiền tiền thu về khoảng 17 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm DNTN Anh Toàn bán cho 146 khách hàng, dự án vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Mãi đến năm 2009, UBND TP.HCM mới có văn bản chấp thuận cho DNTN Anh Toàn liên hệ các cơ quan chức năng làm thủ tục giao đất. Mặc dù TP đã có chủ trương giao đất thực hiện dự án nhưng DNTN ANh Toàn vẫn không liên hệ các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục pháp lý.  

Trong khi chủ đầu tư không chịu hoàn tất pháp lý, theo quy hoạch 1/2000 mới nhất, vừa được các cơ quan chức năng phê duyệt, gần như toàn bộ diện tích đất của dự án Anh Toàn lại nằm trong khu vực đất có mục đích công trình giáo dục, cây xanh, đường giao thông. Phần đất ở chỉ có lại 1 phần nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc, phần lớn khách hàng mua nền đất dự án đang đứng trước nguy cơ trắng tay.

Không chỉ vướng quy hoạch mới, hiện toàn bộ sổ đỏ của khu đất này đã bị chủ cũ của DNTN Anh Toàn là ông Trần Quang Thành ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Cường. Ông Cường đem sổ đất này cầm cố cho ông Nguyễn Đắc Thích vay 15 tỷ đồng (lãi suất 1,6%/tháng).

Hiện, ông Cường không có tiền trả nên ông Thích khởi kiện ông Cường ra tòa và tố cáo đến Công an TP.HCM. Được biết, hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra Công an TP điều tra làm rõ.

Video: Người Trung Quốc 'núp bóng' người Việt mua đất ven biển Đà Nẵng

Theo tìm hiểu, DNTN Anh Toàn từ khi thành lập đến nay đã chuyển qua rất nhiều đời chủ. Hầu hết khách hàng mua đất không biết chủ thật sự là ai. Với những vướng mắc liên quan đến khu đất này, việc sở hữu đất trong dự án đối với khách hàng đã trả tiền là điều không tưởng. Ai sẽ chịu trách nhiệm trong câu chuyện bán dự án đất nông nghiệp này?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, việc chủ đầu tư chưa được giao đất đã phân lô bán nền, rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, trong vụ việc này còn có lỗi của chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn. Theo quy định, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật: đường sá, điện, nước... Thế nhưng, trong trường hợp này, dù chưa được cơ quan chức năng giao đất, có nghĩa còn đất nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn vô tư san lắp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà cơ quan chức năng không hay biết, ngăn chặn?.

Anh Hào
Bình luận
vtcnews.vn