Bệnh nhân là anh Nguyễn Tiến Hoàn (40 tuổi, ở Hà Nội). Anh Hoàn bị suy gan cấp rơi vào trạng thái tiền hôn mê gan, xuất huyết não, đa phủ tạng, viêm phổi, đe dọa tính mạng.
Gia đình cho biết, anh Hoàn có tiền sử viêm gan B nhưng không uống thuốc điều trị bệnh đều.
Sau đợt đi công tác mới đây, anh Hoàn thấy mệt nhiều. Anh được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nhưng do tình trạng quá nặng, anh lâm trạng thái suy gan cấp trên nền viêm gan mãn tính, kèm nhiễm khuẩn. Anh được các bác sĩ chỉ định ghép gan và tiếp tục cho chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chờ phẫu thuật.
Theo TS Lê Văn Thành – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tuy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca ghép gan lần này được coi là “ghép gan cấp cứu”, khác với những ca ghép khác tại bệnh viện.
“Ca ghép này bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, suy gan cấp, hội chứng não gan, viêm phổi, có xuất huyết dưới da rất nặng, lại kèm rối loạn đông/chảy máu. Nếu không được ghép gan kịp thời bệnh nhân không sống quá 1 – 2 ngày. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện một ca cấp cứu ghép gan từ người cho tạng còn sống nên mọi khâu chuẩn bị, thao tác đều phải rất chính xác, tỉ mỉ và cẩn thận”, bác sĩ Thành nói.
Ca phẫu thuật xuyên đêm với thời gian 14 tiếng được thực hiện thành công, bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Bệnh nhân tỉnh lại sau 2 ngày phẫu thuật.
Qua trường hợp ca bệnh trên, bác sĩ Thành khuyến cáo với các bệnh nhân đang điều trị viêm gan B, việc uống thuốc là điều bắt buộc để tránh tình trạng bùng phát của viêm gan B lên thành đợp cấp.
Do vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng theo lời dặn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc không uống thuốc thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Bình luận