Dường như có một trận động đất làm rung chuyển cả Italy khi Federico Chiesa sút tung lưới Áo từ một cú sút ở góc hẹp. Đấy là phút thứ 5 của hiệp phụ và người Italy đã ngóng đợi bàn thắng trước một đối thủ mà họ đã biết là khó chịu, nhưng không tưởng tượng được lại phải đợi lâu đến thế mới có thể mở được cánh cửa đi đến chiến thắng.
Lịch sử có vẻ đang chứng minh những trận đấu với Áo luôn là một sân khấu lớn cho những nhân vật phụ tỏa sáng, để rồi sau đó, như một ngôi sao khổng lồ trên bầu trời, cứ sáng mãi như thế. Ở trận mở màn của Italy tại World Cup 1990, Italy đã phải cần đến bàn duy nhất ở phút thứ 75 của một tiền đạo mới vào sân thay người mới có thể chiến thắng.
Những thay đổi đem đến chiến thắng
Tên của anh là Salvatore Schillaci, hôm ấy đóng vai người cứu rỗi (“salvatore” trong tiếng Italy có nghĩa như thế). 31 năm sau, trong một trận đấu còn khó khăn hơn thế, Italy cũng cần Federico Chiesa, một người vào sân từ ghế dự bị và đem phước lành đến cho Thiên thanh khi sắc xanh của họ đang trở nên rất nhạt nhòa (“chiesa”, trong tiếng Italy là nhà thờ, nơi các linh mục ban phước).
25 năm trước, cha của anh, Enrico Chiesa cũng ghi một bàn thắng ở Euro 1996. Nhưng ở trận ấy, Italy thua CH Czech và sau đó bị loại từ vòng bảng dù được đánh giá rất cao.
Còn ở trận này, bàn thắng mở tỷ số ở phút 95 đã mở ra cánh cửa đưa Thiên thanh vào tứ kết, bởi nó tạo đà tâm lý và hưng phấn cho họ có bàn thắng thứ hai 10 phút sau đó, từ chân của Pessina, một nhân vật phụ khác, được triệu tập vào đội tuyển ở phút chót để thay thế Sensi chấn thương, và được Mancini tung vào sân ở hiệp 2.
Chính những thay đổi của Mancini đã đem đến những đột biến cần thiết cho một đội tuyển Italy đã xuống sức ở hiệp 2, khiến chất lượng lối chơi giảm sút dù vẫn kiểm soát trận đấu và thật may cho họ, Áo không có những chân sút đẳng cấp đủ để khiến khung thành của Donnarumma sụp đổ.
Những phản ứng dữ dội của Áo trong hiệp phụ thứ 2, với một bàn gỡ, chấm dứt chuỗi 11 trận không thủng lưới của Italy, đã đẩy trận đấu vào sự kịch tính và căng thẳng đến những phút cuối cùng. Nhưng Italy đã đứng vững và đi tiếp vào tứ kết sau khi trải qua 120 phút không dành cho những người yếu tim.
Trận đấu khó khăn cần thiết cho Italy
Kết thúc trận đấu, trước micro của kênh RAI, gương mặt của huấn luyện viên (HLV) Mancini vẫn thể hiện sự căng thẳng còn chưa giãn hết.
Ông bảo: “Tôi đã biết đây là trận đấu cực kỳ khó khăn, khó khăn hơn cả những trận đấu ở vòng bảng. Chiến thắng chỉ có thể được xử lý bằng những cầu thủ vào sân thay người, sau khi các cầu thủ ra sân đã thể hiện hết mình. Tôi biết, vòng tới sẽ còn khó khăn hơn thế nữa, và những trận đấu như với Áo thực ra rất tốt cho chúng tôi”.
HLV của Italy hoàn toàn đúng. Không thể luôn kỳ vọng mình sẽ trưởng thành hơn và giỏi giang hơn nhờ những chiến thắng dễ. Bắt đầu giai đoạn knock-out mọi chuyện luôn khác, và trên thực tế đã khác.
Sau 5 năm trong bóng tối, trong đó có mấy năm gần đây không ngừng vươn lên để lần đầu tiên có mặt ở một giải đấu lớn, đội Thiên thanh cần những chiến thắng ở vòng bảng để củng cố niềm tin về một hướng đi đúng, nhưng lại rất cần những thách thức để trưởng thành mạnh mẽ hơn, bởi họ chưa từng rơi vào những tình huống khó khăn như thế này trong 2 năm bất bại vừa qua.
Trận đấu này đã làm tốt vai trò ấy, dù có thể các tifosi không thích lắm. Nó làm hại tim của họ (như mọi giải Euro hay World Cup có Italy tham gia) và khi tiếng còi kết trận vang lên, có thể có ai đó đã làm dấu thánh và thốt lên, “Trên trời, đã có ai đó yêu chúng ta”.
Không, không có Chúa nào ở đây cả. Ngài có thể thương đội Italy, nhưng chính họ mới là những người chiến đấu và tự quyết định số phận mình. Các chàng trai Thiên thanh đã chiến thắng bằng các tình huống mà họ chơi đúng theo cách của mình, nhanh, ít chạm, dứt khoát.
Một quả đảo cánh tuyệt vời của Spinazzola, cầu thủ sau đó được bầu là hay nhất trận, đã giúp Chiesa mở tỷ số. Một đường bóng dài của Acerbi, trận này đá thay Chiellini và chơi rất tỉnh táo, kể cả trong phòng ngự lẫn dâng lên để tạo ưu thế về người ở giữa sân, đã giúp Pessina thành người hùng với bàn thắng thứ hai.
Nhưng Italy cũng đã trải qua những giây phút căng thẳng tột độ, chẳng hạn khi cú đánh đầu của Arnautovic đưa bóng vào lưới Donnarumma (sau đó mới bị huỷ bởi VAR), hay những phút áp lực sau khi Kalajdzic có bàn gỡ ở phút thứ 114.
Những chàng trai trẻ như Donnarumma, mới 22 tuổi, hay Locatelli, 23 tuổi, Di Lorenzo, 27 tuổi, nhưng 4 năm trước còn chơi ở hạng 3, Chiesa, 23 tuổi, và cả những cầu thủ không còn trẻ như Insigne hay Immobile, đều có thể học được rất nhiều từ trận đấu này.
Trên thực tế, ba trận đấu vòng bảng không quá khó đối với Italy, và có thể những thắng lợi ấy đã tạo nên những ảo tưởng về sức mạnh Italy. Trận đấu với Áo không hề là cuộc dạo chơi như nhiều người đã lầm tưởng.
Áo không phải là đối thủ dễ tan vỡ như Thổ Nhĩ Kỳ, dễ đầu hàng như tuyển Thụy Sĩ và sẵn sàng chấp nhận thua chỉ 1 bàn mà vẫn nghĩ đấy là kết quả tốt như xứ Wales. Đội bóng của Franco Foda đã chơi một thứ bóng đá cực kỳ khó chịu với người Italy, dựa trên sức mạnh của thể lực, áp sát, sự kiên nhẫn và có những giai đoạn đã đẩy Italy về phòng ngự.
Họ thậm chí khiến khung thành Donnarumma chao đảo những phút cuối. Nhưng Áo không hề có những người có tên Chiesa hay Pessina. HLV Franco Foda không có những con bài quan trọng để tung vào sân và kết liễu trận đấu như Mancini.
Hướng đến tứ kết, có Verratti hay không?
Tuy nhiên, những thay đổi người của Mancini chỉ mang đến hiệu quả cần thiết khi Italy chủ động đẩy cao nhịp độ trận đấu khi hiệp phụ đầu tiên diễn ra, khi Áo chưa thực sự tập trung và chưa nhập cuộc tốt do chính họ cũng bắt đầu suy giảm thể lực.
Lẽ ra, trận đấu phải được giải quyết từ trước đó, trong hai hiệp chính, khi Italy kiểm soát bóng nhiều hơn, dứt điểm nhiều hơn, nhưng những pha sút bóng trong vòng cấm luôn thiếu chính xác, những pha uy hiếp nguy hiểm nhất trong hiệp 1 lại từ những cú sút xa ngoài cấm địa, và việc Mancini rút cả Verratti và Barella ra ở hiệp 2 đã cho thấy vấn đề của Italy ở hàng tiền vệ.
Verratti vẫn chơi tốt, nhưng phương án “doppio play” với Verratti và Jorginho (hai tiền vệ điều chỉnh nhịp độ và dẫn dắt lối chơi) dù giúp Italy kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng đã không thể hiện được hiệu quả mong đợi, do họ thiếu tốc độ, thiếu khả năng đánh chặn và sự đột biến cần thiết từ những quả chuyền quyết định nhằm phá vỡ hàng thủ được tổ chức rất tốt của Áo. Barella vẫn nhiệt, nhưng anh không hoàn thành nhiệm vụ của một tiền vệ con thoi.
Khi tiếng còi kết trận vang lên, trong khi các cầu thủ ôm nhau trên sân, Mancini ào ra ôm Vialli, người bạn, người đồng đội cũ, nay đang là trưởng đoàn của đội tuyển Italy.
Đấy là cái ôm chiến thắng của 2 con người mà 29 năm trước, trong trận chung kết Cúp C1 ở đây, đã không được tận hưởng niềm vui ấy, bởi một cú sút phạt thần sầu của Ronald Koeman đem thắng lợi đến cho Barca và nỗi buồn cho Sampdoria.
Bây giờ sẽ là tứ kết, và dù đối thủ của họ ở đó là Bỉ của Lukaku hay Bồ Đào Nha của Ronaldo, thì Italy cũng hiểu trận ấy còn phức tạp hơn thế này nhiều.
Có thể, Mancini sẽ có một cách tiếp cận mới, Italy sẽ chơi thực dụng hơn, và các phương án nhân sự như Chiesa liệu có đá chính không hay Verratti sẽ trở lại băng ghế dự bị để nhường chỗ cho Locatelli hoàn toàn phụ thuộc vào các tính toán của người thuyền trưởng.
Trận ấy ở Munich, Đức, và nếu vượt qua tứ kết, sẽ lại là các trận đấu ở Wembley, cái sân mà Mancini và các học trò vừa tìm thấy niềm vui.
Trận tứ kết sẽ là một thử thách mới, lớn hơn, căng thẳng hơn, nhưng xét cho cùng, Italy sẽ bước vào đó với rất ít áp lực. Họ không phải là số một thế giới và là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch như Bỉ.
Họ cũng không mang gánh nặng là đương kim vô địch và cần bảo vệ chiếc Cúp bạc như Bồ Đào Nha. Họ cứ đi trên hành trình của mình, xa đến đâu, tốt đến đấy, thắng thì tốt mà thua thì cũng vui lòng và không tiếc nuối. Còn bây giờ, như người Italy vẫn nói trong mỗi cuộc vui, “Carpe Diem” (tiếng Latin), hãy cứ vui đi, cho đến khi nào còn có thể.
Bình luận