Kỳ 4 (kỳ cuối): Đau đáu một nỗi niềm với kho báu núi Bạc
Thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang, Hà Giang) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi non. Nhiều người dân bản địa nói họ có gốc gác là những người di cư theo cuộc khởi nghĩa của tướng Giàng Phụng gần 150 năm trước.
Câu chuyện về 12 thùng vàng lớn và hàng chục hầm chôn giấu đồ gia dụng của binh lính vẫn còn trong trí nhớ của bao người già trong vùng. Cho đến bây giờ, các thế hệ vẫn tin rằng kho báu của nghĩa quân vẫn còn ẩn giấu đâu đó trong khu vực hẻo lánh này.
Sau thời gian đào bới và thất bại thê thảm của hai anh em Hứa Văn Dự, nhiều người đã lấy đó làm bài học xương máu cho niềm đam mê tìm kiếm những của cải tiền nhân. Cuộc sống ở vùng quê yên bình này đã trở lại như cũ. Ước mơ đổi đời nhờ những gì cha ông để lại không còn là đề tài nóng hổi như trước nữa. Thỉnh thoảng, nó mới lại được đề cập đến trong những cuộc họp của các bô lão trong làng.
Kho báu núi Bạc vẫn còn là một bí ẩn
Tuy nhiên, những minh chứng về sự tồn tại của kho báu Giàng Phụng vẫn còn đó, và ngày càng xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới, rõ ràng hơn.
Sau khi trả hết nợ nần, gia đình đủ ăn, những hy vọng tìm thấy kho báu Giàng Phụng lại bùng cháy trong tâm trí ông Dự.
Ông Dự kể lại, năm 1995, dân cư ở Vĩnh Chà còn thưa thớt, phía núi Bạc vẫn là một rừng cây rậm rạp âm u, sương mù giăng kín, nhiều người không cẩn thận đi lạc vào đó luẩn quẩn mãi không biết lối ra. Trong một lần rảnh rỗi vác súng kíp ra bìa rừng săn bắn, ông Dự nhìn thấy một con hoẵng lớn.
Sau phát súng khô khốc, con thú không chết hẳn mà cứ lê lết mãi. Ông lần theo vết máu lên đến lưng chừng núi thì phát hiện ra một hốc đá nhỏ, sâu hun hút. Ông Dự thò tay vào bên trong thì móc ra được một cục chì nặng trịch, đen sì. Áp tai vào cái hốc đá ấy, ông nghe loáng thoáng có tiếng nước chảy nhẹ.
Cục chì được ông Dự tìm thấy trong hốc đá
Ông Dự kinh ngạc vì nó trùng khớp với những gì ông nghe được trong lần đi xem bói vào năm 1990. Ông thầy bói ở Yên Bái bảo trên gần đỉnh núi có một khe nước nhỏ dẫn xuống kho báu. Ở đó, nước chảy qua và dẫn xuống mương, dẫn ra cánh đồng mà anh em ông đã đào bới.
Những dữ liệu trong gia phả do bạn của ông, ông Lò Văn Quán, cháu 4 đời của tướng quân Giàng Phụng ở thành phố Hà Giang cung cấp, cũng khẳng định như vậy.
Một đoạn trong gia phả dòng họ Tăng Nguyễn, ghi chép về việc chôn dấu kho báu
Bản dịch gia phả của dòng họ Tăng Nguyễn
Khấp khởi mừng thầm, ông mang cục chì nhặt được, lặn lội tìm đến một thầy nổi tiếng khác ở mãi tận Thái Bình. Lần này, thầy cho biết, thần giữ của đã hoàn thành lời thề với những chủ nhân năm xưa canh giữ của cải. Niên hạn đã hết, người thường đã có thể mang đi nếu bắt gặp.
Niềm tin được củng cố, hai anh em lại bắt đầu dồn tiền nuôi hy vọng tiếp tục đào tìm kho báu. Nhưng năm 1998, một hôm đi lên rừng tìm lại cái hốc đá, có người lạ không biết ở đâu đến trước mặt bảo với ông: “Cái kho đó không phải của mày, mà là của họ Nông. Dù mày có thấy chăng nữa nhưng sẽ không bao giờ lấy được, mày sẽ chết mà thôi”.
Nói xong, người lạ mặt quay lưng đi mất. Ông Dự mê mê tỉnh tỉnh, khiếp sợ mãi vẫn chưa hoàn hồn. Ông biết người đó không phải là dân trong vùng, vì mấy chục năm sống ở Vĩnh Chà, ông còn lạ gì ai. Cũng không hiểu họ từ đâu đến mà lại nói câu đó với ông. Cho đến giờ, ông Dự vẫn cho rằng đó là thần giữ của đã hiện ra cảnh báo.
Sau lần ấy, suốt mấy đêm liền ông toàn gặp ác mộng khủng khiếp. Lo sợ về những gì mà mình nhìn thấy, ông tạm gác giấc mơ tìm kiếm kho báu.
10 năm đã trôi qua, đến năm 2008, có một người Trung Quốc tầm 50 tuổi, thông qua phiên dịch, đã tìm đến đề nghị ông Dự hợp tác tìm kiếm với chi phí một ngày 20 triệu. Họ bảo có thuê máy dò chuyên dụng do Trung Quốc sản xuất chuyên săn tìm những kim loại đặc biệt, có hiển thị thông số cụ thể như ở đâu, sâu bao nhiêu...
Ông nhẩm tính, nếu lần tìm hết núi Bạc thì họ có thể phải mất cả tháng. Như thế, chi phí bỏ ra phải hơn nửa tỷ đồng. Ông Dự không có tiền, lại nhớ đến những lời nói của người lạ mặt trên núi những năm trước, nên ông từ chối.
Ông Hứa Văn Dự: "Tôi mong muốn một lần được nhìn thấy kho báu mà anh em tôi đã bỏ bao công sức tìm kiếm"
Trò chuyện với phóng viên, ông Dự cho biết, dù đã già yếu, nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu nỗi niềm với kho báu núi Bạc.
Ông không ôm giấc mộng giàu sang như hồi còn trẻ nữa, nhưng ông vẫn hy vọng có một ngày nào đó được tận mắt kho báu mà mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để tìm kiếm.
“Việc tìm ra kho báu sẽ là một minh chứng cho giai đoạn đấu tranh chống ngoại xâm đầy biến động của mảnh đất Vĩnh Chà, Vĩnh Phúc, mà lịch sử lãng quên. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn được hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của người bạn thân, người bạn đồng hành trong suốt quá trình tìm kiếm của tôi, là ông Lò Văn Quán. Ước nguyện suốt đời lớn nhất của ông Quán chính là làm rõ thân thế và sự nghiệp của cụ ngoại mình, tức tướng quân Giàng Phụng”, ông Dự chia sẻ.
Lược trích thân thế tướng quân Giàng Phụng được ghi chép trong gia phả
Câu chuyện về kho báu khủng ở mảnh đất Vĩnh Chà vẫn còn là một bí ẩn.
Trong quá trình thu thập thông tin để thực hiện bài viết này, phóng viên đã được ông Lò Văn Quán (hiện sống ở phường Trần Phú, thành phố Hà Giang) cung cấp thêm nhiều tình tiết mới. Đó là những tài liệu cổ mà ông sưu tầm được trong gia phả của dòng họ mình và những dòng họ có tham gia cuộc khởi nghĩa của tướng quân Giàng Phụng. Gia phả khẳng định sự tồn tại của kho báu núi Bạc, một được chôn trong lòng núi bao gồm 12 thùng vàng bạc châu báu, một chôn ở cánh đồng ngay sát chân núi, bao gồm quân trang, quân dụng của binh lính. Bản dịch của tài liệu cho biết, đồng trinh nam làm thần giữ của có bản mệnh Nhâm Tý (1912), 3 đồng trinh nữ trấn yếm lần lượt có bản mệnh Đinh Dậu (1897), Bính Ngọ (1906) và Đinh Mùi (1907). Để mở cửa hầm, phải là người có duyên trong dòng họ, gọi đúng tên và bản mệnh của những người trấn yểm, đọc thần chú, sau đó làm theo hướng dẫn được ghi chép cụ thể trong gia phả, mới tìm thấy kho báu. |
Bình luận